<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Những Dấu Mốc Trong Hơn Nửa Thế Kỷ Qua
Tác giả: Thích Tín Nghĩa

NHỮNG DẤU MỐC

TRONG HƠN NỬA THẾ KỶ QUA 

Thích Tín Nghĩa

 

Kể từ khi Phật Giáo Trung Hoa trở mình theo đà sống mới, thì Phật Giáo Việt Nam cũng bắt đầu tiếp nối làn sóng chấn hưng cho cả ba miền, luôn luôn phát triển và tranh đấu không ngừng ;  mãi vươn lên theo đà tiến triển của khoa học và nếp sống con người của thời đại.

Vì bối cảnh chính trị và văn hóa, nên từ giữa thế kỷ thứ mười trở về sau nầy những bạo động và loạn lạc xảy ra liên miên. Trong lúc nầy Nho giáo không phải là nơi nương tựa tinh thần cho quảng đại quần chúng Việt nam nữa.

Mặc dầu trong những triều đại Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức tuy Phật giáo cũng có chút ít bị kỳ thị ;  vì phần lớn chủ lực chính trị đều nằm vào tay Nho gia.

Các nhà Chí sĩ yêu nước thật sự bây giờ lại tìm vào các ngôi chùa để dễ dàng tìm phương cứu nước. Đại để có các Nho sĩ :  Lương Văn Cang, Đào Nguyên Phổ, Võ Hoành, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Quyến, . . . trong lúc đang hoạt động cho các phong trào Đông kinh Nghĩa thục và Đông Du. Đặc biệt là hai Chí sĩ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, với “Tinh thần tôn giáo” mà cụ Phan Sào Nam thì nói thẳng ở đây là tinh thần Phật giáo chứ không không phải là của Nho giáo. Cụ đã nhiều lần lên tiếng cho rằng :  Chính Nho học đã làm cho đất nước Việt bị suy nhược. Cụ Phan Châu Trinh thì không phải là một nhà Nho cố chấp, thấy sao nói vậy. Cụ rất tin tưởng vào Phật giáo không phải vì những cực thịnh của các triều đại Lý Trần, mà nhận thức khả năng duy tân xã hội Phật giáo thật chính xác và quan trọng như Nhật bản chẳng hạn. Từ đó, cụ cũng bị các đồng chí của cụ cực lực phản đối, cho rằng cụ đã phế Nho hưng Phật.

Cụ Phan Bội Châu đã từng than thở những vầng thơ, lấy chữ  “Đồng Tâm”  làm căn bản, nhưng thật sự thì cụ nhẹ nhàng nhắn gởi đến ảnh hưởng giáo lý Phật đà :

            “Thương ôi !  trăm sự tại người,

            Chữ Đồng ai dám ngăn rời chữ Tâm ?”

và :

            “Người trong cho đến người ngoài,

            Chữ Tâm cốt phải ai ai cũng Đồng.”

Hay là :

            “Gió nhanh thì sóng cũng mau,

            Chữ Tâm một phút đâu đâu cũng Đồng.”. . . 

Đường lối Bất bạo động, tuyệt thực của cụ Phan Châu Trinh cũng đã làm cho chính phủ Bảo hộ lẫn Nam triều đều căm tức, nhưng rất khâm phục. Đường lối nầy cũng tương đồng với đường lối của Phật giáo Việt nam sau nầy đã tranh đấu chống lại bất bình đẳng tôn giáo của Ngô triều.

Những bối cảnh lịch sử và những biến cố của đất nước đã dồn dập đến hàng sĩ phu yêu nước và hàng Tăng sĩ Phật giáo đạo cao đức trọng, tận tâm tận lực duy trì mạng mạch Phật giáo ;  với tâm nguyện dựng đạo đẹp đời, nên những ngọn gió mát chấn hưng, phát triển cho cả Phật giáo lẫn quê hương cứ lớn dần lên mãi. 

Vào những năm 1920, ở miền Nam có những bậc thạc đức như :  Từ Phong (Chợ Lớn),  Khánh Hòa (Bến Tre), Chí Thành (Châu Đốc), Huệ Quang (Trà Vinh),  Khánh Anh (Long An), Tâm Thông (Gò Vấp – Gia Định), Hoằng Nghĩa (Chợ Lớn), Huệ Tịnh (Gò Công), Ni thì có Đạo tràng Giác Hoa ở Bạc Liêu, . . . 

Ở miền Trung, cố đô Huế, thì có Thiền sư Huệ Pháp, nổi tiếng là thâm uyên giáo điển, là bậc thầy của các thiền sư  :  Giác Tiên, Tịnh Khiết. Tịnh Hạnh, Mật Khế, Vĩnh Thừa, ... mở lớp giảng dạy tại tổ đình Thiên Hưng, thiền sư Thanh Thái với đạo tràng Từ Hiếu, thiền sư Đắc Ân với đạo tràng Quốc Ân, thiền sư Tâm Tịnh với đạo tràng Tây Thiên, ở Thập Tháp thì có Quốc sư Phước Huệ, bên cạnh ngài có thiền sư Phổ Tuệ phụ tá rất xứng đáng. 

Ở Bắc có thiền sư Thanh Hạnh, một danh tăng được quốc dân mến mộ và sùng kính với đạo tràng Vĩnh Nghiêm, thiền sư Đỗ Văn Hỷ thì chủ trương in ấn kinh điển, trong đó có bộ Đại Bảo Tích. 

Ban đầu với đề tài  “Phong trào Phật giáo Chấn hưng”  bằng ba tiêu chuẩn : 

1.-  Lòng tự ái của một dân tộc,

2.-  Lòng khát vọng một lý tưởng để theo, và,

3.-  Nạn kinh tế khủng hoảng. 

Trong lúc đang vận động chương trình Phục hưng Phật giáo, thì cũng có một số viết bài chống đối, cho rằng làm cho Phật giáo mạnh là đưa tuổi trẻ vào con đường yếm thế, trụy lạc, con đường của ru ngủ, thuốc phiện. 

Tuy nhiên, hầu hết các sĩ phu thức thời đã mạnh dạng đứng dậy cộng tác với chư Tôn thiền đức, điển hình như : Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Côn, Phạm Đình Hòe, Đỗ Trân Bảo đã viết trên Viên Âm, trên Đuốc Tuệ để cổ xúy đường hướng Chấn hưng Phật giáo. Các vị nầy đồng một ý kiến cho rằng : Chấn hưng Phật giáo là mở mang cho đất nước, vì Phật giáo là trí tín, chống lại mê tín, là kiêm thiện chống lại độc thiện, là bình đẳng chống với giai cấp, là tự lực chống với ỷ lại, . . . Các vị nầy cũng lấy sách sử của Trung hoa và Việt nam đã để lại rằng : Khi nào Phật giáo hưng thịnh thì không bị nội loạn và ngoại xâm  (hãy nhìn vào các thời đại Đông Hán, rợ Hung Nô phải thần phục, Đường Thái Tôn, . . . ; Còn Việt Nam thì Lý, Trần, chứ không bạt nhược như Lê Trung Hưng và Nguyễn Thống Nhất là cái thời đại cực thịnh của nhà Nho - Lời của Phan Khôi). 

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, viết trong Viên Âm số 3, ra ngày 01-02-1934, cụ nói : Chấn hưng Phật giáo là một việc làm có lợi ích cho quốc dân và cụ khuyên báo Viên Âm nên cố gắng.

Cụ viết : 

. . . “. . .Viên Âm hãy gắng lên. Người ta nói khoa học với tôn giáo không cùng đi với nhau, là nói ở xứ văn minh nào kia, chứ ở xứ khai thông chậm trễ dân trí mơ mù như xứ ta, tôn giáo còn là phương thuốc chữa bệnh chung cho người mình có hiệu nghiệm. Huống cái thuyết từ bi, cứu khổ, độ tha, giác tha và nhân quả luân hồi của Phật giáo thông cả các giai cấp trong xã hội, mà ai thực hành theo có bổ ích cho chúng sanh không phải là ít, chưa nói đến “Niết bàn” là chỗ thượng thừa cao xa kia.”

Cụ nhìn Phật giáo phục hưng mà cụ buồn cho Nho giáo : Trãi qua bao cuộc bể dâu Phật giáo vẫn còn nguyên vẹn mà bây giờ lại được chấn hưng, trong khi đó, Nho giáo đã suy sụp mà khắp cả nước lạnh tanh, không có ai nghĩ đến chuyện phục hưng Nho giáo.”. . . . 

Từ đó, chương trình Phục Hưng Phật Giáo vùng dậy khắp cả ba miền rất nhịp nhàng và mạnh mẽ.

Và cứ thế, mỗi năm đều có cử hành Đại lễ Phật đản, mỗi mùa Phật đản lại có một cái mốc lịch sử khá đặc biệt. Chúng ta thử đi vào những dấu mốc có trùng hợp hay không trùng hợp với những mùa Phật đản lịch sử qua những thập niên từ 1930 trở về sau này. 

Những mùa Phật đản lịch sử : 

a.-  Phật đản 2476 (*) – 1932,   Phong trào Chấn hưng Phật giáo,

b.-  Phật Đản 2479 – 1935,  Đại lễ Phật đản đầu tiên có vua Bảo Đại làm Trưởng ban danh dự,

c.-  Phật đản 2495 – 1951,  Tổng hội Phật giáo Việt nam ra đời,

d.-  Phật đản 2507 – 1963,  Tranh đấu Phật giáo,

e.-  Phật đản 2510 – 1966,  Phật giáo Tranh đấu cho Dân chủ,

g.-  Phật đản 2517 – 1973,  Phật giáo Tranh đấu cho Hòa bình,

h.-  Phật đản 2519 – 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị phân hóa và cô lập.

i.-  Phật đản 2529 – 1985, Giáo hội và Tăng Ni Tín đồ quê nhà bị tỏa chiết, tại hải ngoại cố gắng vươn lên.

j.-  Phật đản 2536 – 1992, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ và các châu cũng như Canada được thành lập –Văn Phòng II của Giáo hội hiện diện.

k.-  Phật đản 2539 – 1995, Đại hội Khoáng Đại VIII  (vào các ngày 13-14-15 tháng 05-1999 được tổ tại Phật Học Viện Quốc Tế - California, kế thừa Đại hội VII, sau 22 năm của GHPGVNTN tổ chức vào ngày 23-01-1977 tại Ấn Quang, Sàigòn-Việt nam).

l.-  Kỷ niệm 30 năm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Tranh Đu

Ghi chú  : (*Phật lịch ở đây là chúng tôi (người viết) tính theo thứ tự cho dễ dàng ;  thực ra,  sau khi Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất ra đời, mới đồng thống nhất là Phật lịch 2507, làm mốc - Trước đó, có nhiều khi giữa Ba miền, cũng như các chùa cũng đều khác. 

* * * * * * * * 

            A.-  Đại lễ Phật đản 2476 - 1932, Phong trào Chấn hưng Phật giáo : 

            Hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy :  Khi phong trào của Thái Hư Đại Sư khởi xướng và chấn hưng Phật giáo Trung hoa, đã gây một khí thế mạnh khắp đó đây. Làn sóng cách mạng về giáo lý Phật đà, giáo chế cho Tăng đoàn, cư sĩ cũng như giáo sản cũng được tuôn chảy và lan tràn sang các nước phụ cận rất mạnh mẽ, trong đó có Việt nam chúng ta kể từ năm 1930. Trong thời gian nầy, cách mạng Tân Hợi của Tôn Văn (tức Tôn Dật Tiên) cũng đang dâng lên mạnh mẽ. 

            Tại Việt nam chúng ta, cao trào chấn hưng đang bùng lên, vươn lên và xuất hiện khắp nơi như : 

            -  Tại Nam Việt, thành lập hội Nghiên Cứu Phật Học năm 1931, và hội Phật Học Lưỡng Xuyên cũng được thành lập tiếp theo vào năm 1933. 

            -  Tại Trung Việt, thành lập hội An Nam Phật Học nẳm 1932, và đoàn Phật Học Đức Dục. 

            -  Tại Bắc Việt, thành lập hội Việt Nam Phật Giáo vào năm 1934. Các tạp chí cũng được ra đời kế đó như là :  Đuốc Tuệ, Viên Âm, Giác Ngộ, Tiếng Chuông Sớm, Diệu Âm, Từ Quang, Giải Thoát. Đây là những cơ quan truyền bá Chánh pháp cũng như truyền thông đường lối Chấn hưng Phật giáo đang phát triển mạnh mẽ của các hội Phật giáo khắp cả ba miền. 

            Ý nghĩa lịch sử :  Khi phong trào chấn hưng Phật Giáo đã được tốt đẹp, Phật đản năm 1932 đã đánh dấu một trang sử mới cho Phật Giáo Việt Nam

            -  Tại miền Nam, Đại lễ Phật đản được long trọng cử hành tại Hội quán Hội Phật học Lưỡng Xuyên, với chủ đề : “Chấn Hưng Phật Giáo”. 

            -  Tại Trung Việt, đại lễ Phật đản được trang trọng cử hành tại Tổ đình Bảo Quốc, khởi đầu cho một chương trình lớn là : “Đào Tạo Tăng Tài”  và chấn hưng hàng ngũ Tăng chúng khắp cả miền Trung Việt mà phát xuất đầu tiên là từ Cố đố Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng.

Đặc biệt trong dịp nầy, Lại bộ Thượng thư Phạm Quỳnh đại diện cho chính phủ Bảo hộ đến tham dự.

Trong bài Din văn của Phạm Quỳnh có đoạn đã nhn mạnh : “ . . . Trong giai đoạn mi của Pht Giáo Vit Nam, vic đào tạo Tăng tài t sơ cp cho đến cao cp Pht học, sẽ có đủ nhân lc đ lãnh đạo tinh thn.”. 

            - Tại Bắc Việt, Đại lễ Phật đản được trang trọng cử hành tại chùa Quán Sứ. Đại lễ nầy do sự chung lưng đấu cật của cả hai giới xuất gia lẫn gia quyết tâm xây dựng một tinh thần Phật giáo mới, tự chủ và thích ứng với bối cảnh của xã hội.

Như chúng ta đã biết :  Hội Phật giáo Bắc kỳ được thành lập năm 1934, sau hai hội Phật giáo Trung và Nam kỳ, nhưng, hoạt động rất tích cực và nhanh chóng phát triển mạnh. Chỉ vỏn vẹn trong vòng một năm mà các chi hội được hình thành và sinh hoạt có chất lượng khắp cả miền Bắc. 

            Kể từ giai đoạn nầy trở về sau, Phật Giáo Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, một trang sử mới, đặc biệt là việc chấn chỉnh và đạo tạo Tăng tài làm căn bản. Hy vọng, Phật giáo Việt Nam sẽ tạo những bước đi nhịp nhàng và có nhiều khởi sắc vững chắc và xứng đáng. 

            B.-  Đại lễ Phật đản 2429 – 1935 :  Hội An Nam Phật Học Ra Đời : 

Bối cảnh lịch sử : Tổ Giác Tiên (Khai sáng Trúc Lâm Đại Thánh tự) ý thức được trách nhiệm và bổn phận, nên đã đến các Tổ đình như Thuyền Tôn, Tây Thiên, Tường Vân, Từ Quang, Vạn Phước để cung thỉnh quý tôn túc : Thiền sư Tịnh Hạnh, Thiền sư Tịnh Khiết, Thiền sư Giác Nhiên, Thiền sư Giác Nguyên, Thiền sư Giác Bổn, thiền sư Giác Hạnh, . . . để cùng đứng ra chấn hưng Phật giáo miền Trung.

Bên cạnh đó, Tổ có vị đệ tử Bác sĩ Trưởng tại viện Paster, Huế, là Bồ tát tại gia Tâm Minh Lê Đình Thám, cộng sự rất đắc lực. Hội được thành lập năm 1932. Tổ Giác Tiên chứng minh Đạo sư cho Hội được bốn năm thì thị tịch. Một vị đệ tử xuất sắc của tổ là Thiền sư Thích Mật Khế, Tổng thư ký của hội. 

Ý nghĩa lịch sử : Năm 1934, thiền sư Mật Kế và Pháp sư Trí Độ đi Quảng Ngãi để dự giới đàn Thạch Sơn với tư cách “Phóng viên” của báo Viên Âm. Để chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản vô cùng vĩ đại được trang trọng tổ chức tại Cố đô Huế vào năm tới 1935. Hội và thiền sư Mật Khế đã đi khắp các chùa trong tỉnh để vận động chư Tăng tham dự đông đủ. Đại lễ Phật đản tổ chức tại chùa Diệu Đế vào ngày 10 tháng 05 năm 1935.

Sau lần Đại lễ nầy, hội An Nam Phật Học đã mở ra một chân trời mới cho hội : 

*  Chỉnh lý Tăng chế và đào tạo Tăng tài :  Đây là một chương trình khá táo bạo nhất so với hai miền Bắc và Nam kỳ.

a.- Thành lập một hội đồng Luật sư gồm những bậc Tăng già tinh thông giới luật để giám sát giới hạnh của hàng Tăng sĩ.

b.- Tổ chức ban thầy cúng gồm những vị biết tán, tụng, cầu an, cầu siêu và hướng dẫn tang lễ. Hàng thầy cúng nầy chỉ được mặc áo nâu mà thôi. 

*  Mở các lớp Phật học. Trường Tiểu học Phật giáo đầu tiên được mở tại chùa Vạn Phước, Thiền sư Mật Khế làm Hiệu trưởng. 

Chương trình Tiểu học (năm năm) – Chương trinh Sơ đẳng (hai năm) – Chương trình Trung đẳng (hai năm) – Chương trình Cao đẳng (hai năm) - Chương trình Trung học (năm năm).

Trường Đại học Phật giáo đầu tiên được mở ra tại Tổ đình Trúc Lâm năm 1935, tổ Giác Tiên là Giám đốc. Lớp Trung học mở ra tại Tổ đình Tường Vân, do thiền sư Tịnh Khiết làm Giám đốc. Cả hai lớp do Quốc sư Phước Huệ, trực tiếp giảng dạy. Lớp Trung học nầy gồm những Tăng sinh miền Nam như : Thiện Hoa, Thiện Hòa, Chí Thiện, Hiển Thụy, Hiển Không, v.. v...  theo học. Lớp Giáo sư gồm các Thiền sư :  Tịnh Khiết, Đắc Ân, Thánh Duyên, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám và quý Tăng  sinh lớp Đại học Trúc Lâm. 

C.-  Phật đản 2495 – 1951 - Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời. 

Bối cảnh lịch sử : Kể từ năm 1946 đến 1951, tại những thành phố lớn, dân chúng đã trở lại sinh sống bình thường, sau những năm di tản tránh bom đạn thời giặc giả khốc liệt do thực dân Pháp đem đến. Phật giáo bắt đầu chớm nở mạnh và cũng là cơ hội củng cố, đoàn ngủ hóa tổ chức. Nhiều hội đoàn được thành lập trong đó mạnh nhất là Gia đình Phật Hóa Phổ là tiền thân của Tổ chức Gia đình Phật tử Việt nam sau nầy. Các giáo phái cũng bắt đầu hình thành. Đặc biệt là những thành phố lớn của miền Nam Việt Nam.

Một đại hội Phật giáo thế giới lần thứ nhất được tổ chức tại Colombo, Việt nam cũng có một phái đoàn được tham dự và phát biểu Nội quy, Cương lĩnh và lá Cờ Phật Giáo thế giới.

Cuộc chấn hưng Phật giáo vào năm 1932 có những đại hội được diễn ra ra để tiến dần vào sự Thống nhất Phật giáo toàn quốc.

Nhờ những điều kiện thuận duyên mà tổ chức Gia đình Phật tử Việt nam được đoàn ngũ hóa và kiện toàn cơ cấu vào tháng tư năm 1951. 

Ý nghĩa lịch sử :  Đại lễ Phật đản năm 1951 là một chứng tích đặc biệt cho sự Thống nhất Phật giáo, ít ra là trên phương diện hình thức. Tổng hội Phật Giáo Việt Nam ra đời trong giai đoạn nầy, là một cố gắng vượt bậc từ 19 năm qua.

Một bản Tuyên Ngôn thống nhất đạo Phật được công bố trong ngày đức Phật giáng sanh mồng 8 tháng Tư năm Tân mão (1951) có nêu rõ :

Theo lời hiệu triệu của các bậc Tôn túc Trưởng lão, trong một hội nghị gồm 51 đại biểu, đã long trọng khai mạc vào ngày mồng Một tháng Tư, Phật lịch 2505, (nhằm ngày 06-05-1951) tại Tổ đình Ấn Tôn Từ Đàm, Cố đô Huế. Và đã cùng nhau đồng ý chí, nói lên như sau :

“Sau bốn ngày thảo luận, toàn thể hội nghị đã quyết định Thống nhất Phật giáo Toàn quốc Việt Nam, lấy ngày Phật đản làm kỷ niệm thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, bầu một ban Quản Trị Trung Ương và đặt trụ sở tại Thuận Hóa (Huế), để thực hiện chương trình thống nhất mà hội nghị đã biểu quyết. . . .”. 

D.-  Đại Lễ Phật đản 2507 – 1963 :  Phật giáo Tranh đấu . 

Bối cảnh lịch sử : Sau Hiệp định Genève, Việt Nam chúng ta bị chia đôi lãnh thổ. Phật giáo Việt nam cũng cùng chung một số phận. Ông Ngô Đình Diệm được vua Bảo Đại bổ nhiệm về làm Thủ tướng miền Nam Việt nam. Sau đó, được Mỹ và các nước đồng minh ủng hộ để truất phế Bảo Đại và lên làm Tổng Thống, nắm trọn chính quyền miền Nam với thể chế Cộng hòa. Với đầu óc kỳ thị, một chính sách khắc khe và thẳng tay đàn áp Phật giáo đồ từ trung ương đến địa phương. Nhà Ngô đã dùng đạo Dụ số 10, do Bảo Đại ký vào năm 1950 dưới sự áp đặt của thực dân Pháp dùng để kiểm soát các hội Phật giáo trong cả nước. Đạo Dụ nầy đặt tổ chức các tôn giáo ngoại trừ Thiên chúa giáo, thì xem như các hiệp hội thông thường, thậm tệ ngang hàng với các hội thể thao, hội đua ngựa, . . .  Điều 7 của Đạo dụ nầy nói thẳng rằng : “Có quyền bát khước đi không cho lập hội mà không phải nói lý do” và giấy phép lập hội dù đã được cấp, cũng có thể bị thâu hồi, nếu chính quyền xét rằng vì “lẽ trị an”, cần phải như vậy. Điều 12 và 44 chỉ dành ưu tiên cho các hội Thiên chúa giáo có quyền lập hội, có quyền tạo mãi tài sản, kinh tài mà không bị kiểm soát, ...

Với những bất bình đẳng đó, Phật giáo đồ âm thầm tìm cách chống đối, tìm một thế đứng cho mình, chỉ chờ một cơ hội là bùng nổ !  Đó là phong trào tranh đấu của Phật giáo Việt nam 1963. 

Cuộc tranh đấu Phật giáo Việt nam, khởi đầu từ vụ đàn áp tại Huế, rồi lan rộng khắp cả nước. Khi ở Huế lá cờ Phật giáo bị triệt hạ, từ Sài gòn đã thành lập Ủy ban Liên phái Phật giáo, để thảo luận với Ủy ban Liên bộ của nhà cầm quyền, hai bên đi tìm một thỏa hiệp. Điều mà chính quyền (đại diện là Ủy ban Liên bộ), không thể giải quyết được vấn đề :  Kỳ thị tôn giáo vẫn còn nặng nề khắp đó đây toàn cả miền Nam. 

Ý nghĩa lịch sử :  Đại lễ Phật đản năm 1963, trước đó, chánh quyền Thừa Thiên - Huế được một công điện ngầm phát xuất từ Tổng thống phủ ra lệnh :  

*.-  Triệt hạ cờ Phật giáo,

*.-  Không được tập trung đông đảo,

*.-  Hủy bỏ cuộc rước kiệu Phật từ chùa Diệu Đế đến chùa Từ Đàm. 

Hội Phật giáo Trung việt đã kịp thời can thiệp, để chánh quyền giải tỏa bớt một số điều cấm cản, nhưng chính quyền vẫn thẳng tay đàn áp dã man.

Như thường lệ mỗi năm, buổi Đại lễ được thu thanh và sẽ được phát thanh lại vào lúc 8giờ tối hôm ấy tại đài Phát thanh Huế. Nhưng, tối hôm ấy, đài đã không phát chương trình Phật giáo, mà chỉ phát những chương trình vu vơ. Quần chúng tụ tập quanh đài để nghe, thấy vậy lấy làm bất mãn. Số người tụ tập càng lúc càng đông có hơn Mười ngàn người đứng vây quanh đài. Chính quyền cho xe cứu hỏa và xe vòi rồng xịt nước để giải tán. Cùng lúc ấy, Thiếu tá nội an Đặng Sĩ đã cho bắn đạn mã tử để uy hiếp. Kết quả : Tám Phật tử bị thương, rồi chết. Chính quyền đổ lỗi là do Việt Cọng gây nên chuyện thảm thương ấy. Cuộc tranh đấu chính thức bùng nổ lớn khắp cả miền Nam Việt nam từ đó.

Những câu khẩu hiệu trong cuộc rước kiệu Phật gồm : 

*-.  Kính Mừng Phật Đản,

*.-  Phật Giáo Đồ Nhất Trí Bảo Vệ Chánh Pháp Dù Phải Hy Sinh,

*.-  Yêu Cầu Chính Phủ Thi Hành Chính Sách Tôn Giáo Bình Đẳng,

*.-  Chúng Tôi Không Từ Chối Một Hy Sinh Nào,

*.-  Phản Đối Chính Sách Bất Công Gian Ác,

*.-  Đã Đến Lúc Chúng Tôi Bắt Buộc Tranh Đấu Cho Chủ Trương Tôn Giáo Bình Đẳng. 

Ngày 10-05-1963, quý ngài :  Đôn Hậu, Mật Hiển (đương kim Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Phật đản nầy), Mật Nguyện, Trí Thủ, Trí Quang, Thiện Siêu, . . . đã họp tại chùa Từ Đàm, hoạch định đường lối và phương sách đấu tranh. Bản Tuyên Ngôn gởi đến Tổng thống Ngô Đình Diệm gồm Năm nguyện vọng sau đây : 

1.-  Yêu cầu chính phủ Việt Nam Cọng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ giáo kỳ Phật giáo, 

2.-  Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên chúa giáo đã được ghi trong đạo Dụ số 10, 

3.-  Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ và khủng bố tín đồ Phật giáo, 

4.-  Yêu cầu cho Tăng Ni Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo, 

5.-  Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ chết oan vô tội, và kẻ chủ mưu giết hại phải đền tội xứng đáng. 

Sau đó, cũng tại chùa Từ Đàm lịch sử, lại có thêm một Bản Phụ Đính của tuyên ngôn ngày 10-05-1963, được công bố, giải thích rõ ràng về Năm nguyện vọng trên như sau : 

1.-  Phật giáo Việt nam không chủ trương lật đổ chính phủ để đưa người của mình lên thay thế mà chỉ nhằm đến sự  “Thay đổi chính sách” của chính phủ. 

2.-  Phật giáo Việt nam không có kẻ thù, không xem ai là kẻ thù cả. Đối tượng của cuộc tranh đấu tuyệt đối không phải là Thiên chúa giáo mà là chính sách bất công tôn giáo. “Chúng tôi tranh đấu cho lý tưởng Công Bình, chứ không phải tranh đấu với tư cách một tôn giáo chống một tôn giáo”. 

3.-  Cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ cho bình đẳng tôn giáo được đặt : “trong khuôn khổ của lý tưởng công bằng xã hội.”. 

4.-  Cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ được thực hiện theo đường lối Bất Bạo Động “Chúng tôi phải thể hiện tư tưởng Phật giáo ngay trong công cuộc tranh đấu của chúng tôi. Vì lý do đó, chúng tôi chấp nhận một sự hy sinh đến tột độ và lấy sự hy sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển tận lòng người chứ không phải rung chuyển chính sách mà thôi. Ngay từ bây giờ, chúng tôi có thể tuyên bố minh bạch rằng những người Tăng sĩ của Phật giáo là những là những người sẵn sàng noi theo Gandhi - vị thánh của sức mạnh Bất bạo động -  Chúng tôi lại xác định thêm :  với phương pháp bất bạo động, chúng tôi sẽ tranh đấu trong phạm vi hợp pháp được ngần nào tốt ngần đó.” 

5.-  Phật giáo Việt nam không chấp nhận sự lợi dụng của bất cứ ai vào cuộc tranh đấu cho bình đẳng tôn giáo và công bình xã hội. Phật tử từ chối sự lợi dụng của “những người Cộng sản và của những kẻ mưu toan chức vị chính quyền.”. 

Về đạo Dụ số 10/59, Bản Phụ đính đề nghị chính quyền rút Tất cả các tôn giáo ra khỏi phạm vi ràng buộc của đạo Dụ nầy. Yêu cầu chính phủ ban hành một chế độ đặc biệt cho các tôn giáo trong đó có Phật giáo và Thiên chúa giáo.

Vào ngày 20-05-1963, một tài liệu dài 45 trang được gởi đến chính quyền kê rõ những vụ đàn áp, bắt bớ và thủ tiêu do nhà Ngô cho thuộc hạ thực thi.

Trước khi Cách mạng 01-11 thành công, thì đã có những dữ kiện quan đưa đến như sau :

-  Ngọn lửa Bồ tát Quảng Đức, đầu giờ Ngọ, ngày 11 tháng 06 năm 1963,

-  Cuộc tuyệt thực tại vĩ đại chùa Xá Lợi, chùa Từ Đàm và các Thị, Tỉnh lớn,

-  Biểu tình diễn hành,

-  Tăng Ni bị giam giữ,

-  Dư luận quốc tế chấn động,

-  Hệ thống thông tin của Ủy ban Liên phái,

-  Những thủ đoạn của chính quyền,

-  Ngọn lửa Thiền sư Nguyên Hương, ngày 04-08-1963,

-  Kế hoạch nước lũ, ngày 06-08-1963,

-  Ngọn lửa của Thiền sư Thanh Tuệ, ngày 13-08-1963,

-  Ngọn lửa của Ni sư Diệu Quang, ngày 15-08-1963,

-  Lệnh Tổng đình công tại Huế, ngày 06-08-1963,

-  Ngọn lửa của Thiền sư Tiêu Diêu, ngày 16-08-1963,

-  Giáo chức Đại học từ chức,

-  Lễ cầu siêu tại chùa Xá Lợi, ngày 17—8-1963,

-  Đòn ác liệt của chính quyền, ngày 21-08-1963,

-  Sinh viên và Học sinh toàn quốc đứng dậy, ngày 21-08-1963,

-  Ngọn lửa Thiền sư Quảng Hương, ngày 05-10-1963,

-  Phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc đến Sài Gòn, ngày 24-10-1963,

-  Ngọn lửa Thiền sư Thiện Mỹ, ngày 27-10-1963,  . . .

E.-  Đại Lễ Phật Đản 2508 – 1964 :  Phật Giáo Thống Nhất 

Bối cảnh lịch sử :  Năm 1964, đất nước biến chuyển nhiều sau ngày Cách mạng 01-11-1963, đặc biệt là vấn đề chính trị và quân sự biến chuyển không ngừng. Phật giáo thì trở về nguyên vị, không còn chuyện tranh đấu chống bạo quyền ;  tuy thế, cũng vẫn bị cuốn theo cơn lốc xoáy của thời đại. Thời đại những nhóm đảng phái nhân danh đủ thứ về đường hướng dân chủ nhưng không có chủ đích. Mạnh ai nấy bộc phát. Đất nước vẫn không mấy yên ổn, dân chúng vẫn gặp phải nạn bất công, vẫn còn mạnh được yếu thua. Đám gia nô Ngô triều thì len lỏi vào nhà thờ hoặc chùa chiền để ẩn núp, đợi chờ cơ hội thuận tiện mặc dù không phải là con chiên ngoan đạo, không phải là Phật tử thuần thành. Tạo một không khí nặc mùi hỗn loạn không kém phần tai hại. 

Mặc dầu cách mạng 01-11-63 đã chấm dứt chế độ độc tài, đảng trị và gia đình trị của họ Ngô, cũng như đã chấm dứt chuyện tranh đấu chống kỳ thị tôn giáo ;  nhưng, hết chuyện nầy đất nước và dân chúng lại vươn mang thêm chuyện khác. Tuy thế, ngày đức Phật ra đời được tổ chức trọng thể trên toàn quốc. Đó là Phật đản, Phật lịch 2527. 

Ý nghĩa lich sử : 

Phật giáo Việt Nam trở mình, ngày 31 tháng 12 năm 1963, các phái đoàn Phật giáo trong đó có Tổng hội Phật giáo Việt Nam khai mạc đại hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại chùa Xá Lợi.

Đại hội đã đi đến quyết nghị là Thống nhất Phật giáo trong một tổ chức Giáo hội duy nhất, với danh xưng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tất cả đồng thanh suy cử Hòa thượng Thích Tịnh Khiết lên ngôi vị Tăng Thống và trực tiếp lãnh đạo Hội đồng viện Tăng Thống và Hội đồng Viện hóa đạo. Viện trưởng Viện hóa đạo là Thượng tọa Thích Tâm Châu.

Bản Hiến chương của Giáo hội được công bố vào ngày 04 tháng 01 năm 1964.

Ngày 12 tháng 01 năm 1964, công bố thành phần nhân sự của Hội đồng lưỡng viện. Trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang. Đa phần các văn phòng của các Tổng vụ cũng được đặt tại Ấn Quang.  

Hội Đồng Viện Tăng Thống gồm :

-  Đức Tăng Thống,

-  Đức Phó Tăng Thống,

-  Đức Tổng Thư Ký,

Chư Tôn Đức Trong Hội Đồng Giám Luật. 

Hội Đồng Viện Hóa Đạo gồm : 

-  Viện Trưởng,

-  Nhị vị Phó Viện Trưởng,

-  Tổng Thư Ký,

-  Tổng Thủy Quỷ, 

Ngoài ra, còn có các Tổng vụ : 

*  Tổng vụ Tăng sự,

*  Tổng vụ Thanh niên và Gia đình Phật tử,

*  Tổng vụ Văn hóa,

*  Tổng vụ Giáo dục,

*  Tổng vụ Cư sĩ,

*  Tổng vụ Tài chánh,

*  Tổng vụ  Nghi lễ. 

G.-  Đại Lễ Phật Đản 2517 – 1966 :  Phật Giáo Tranh Đấu cho Dân Chủ Tự Do : 

Bối cảnh lịch sử :  Lúc nầy, chiến tranh Việt nam ngày một khốc liệt và leo thang. Trên hai miền Nam Bắc, không một ngày nào mà người dân vô tội của cả hai miền không gánh lấy cảnh bom đạn thảm thương. Không lúc nào mà trên quê hương ban ngày thì nhà cháy, bom rơi, đạn lạc ;  ban đêm thì ánh hỏa châu rơi tứ phía. Riêng tại miền Nam Việt nam, người dân thôn quê kéo nhau về thành thị để trốn tránh làn mưa đạn ngày một đông đúc. Suốt ngày toàn hưởng mùi tử khí.

Về phía chính quyền, một số tướng tá tranh hùng tranh bá, mà dân chúng, trên các mặt báo đều gọi là “quân phiệt” ;  vì, một nhóm quân nhân có đầy đủ vây cánh thì lại tham dự vào việc chống chính quyền trung ương ;  các đảng phái thì chia nhau các ghế ngồi trong bộ máy cầm quyền đương thời.

Những lần hành quân miền giới tuyến, thì dân chúng bị đàn áp, bị hà khắc. 

Ý nghĩa lịch sử :  Phật đản 2517, là năm cầu nguyện chung của Giáo hội trên toàn cõi đất nước sớm được hòa bình, an lạc. Chống lại những bàn tay âm mưu trong cũng như ngoài nước làm chia rẽ Phật giáo ra thành từng mảnh vụn. Đặc biệt là của chính quyền và giáo gian.

Nguyện vọng của Phật giáo trong mùa đản sanh nầy đặt ra với chánh quyền đương thời là quân sự :

1.-  Chấm dứt các cuộc phong tỏa chùa chiền, bắt bớ Tăng ni, trả lại tự do cho học đường, trong đó những sinh viên, học sinh, thanh niên đã bị bắt giam vì đã tham gia những cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do báo chí khắp cả miền Nam Việt nam.

2.-  Chấm dứt tất cả những cuộc đàn áp tại Huế, Đà nẵng, những cuộc đàn áp, bắt giam thô bạo tại hai thị xã nầy. Đồng thời, giải tỏa chuyện bao vây kinh tế, thực phẩm đối với dân chúng Cố đô Huế. Con đường quốc lộ I từ Đông hà vào tận Sài gòn và các tỉnh miền Tây phải được thông thương.

3.-  Về phía chính quyền cần phải trao lại cho thành phần dân cử, không còn nạn quân phiệt như những năm 1964, 1965, . . . Cần một chế độ dân chủ thực sự phải được tự do bầu cử, phổ thông và trong sạch. Hủy bỏ chính sách cô lập các đảng phái chân chính, bộ máy hành chánh phải thật sự do dân và vì dân.

4.-  Không để cho lớp Cần lao của chế độ Ngô triều tái phục hoạt vào bộ máy hành chánh để cho tuyệt đại đa số quần chúng nông thôn thấp cổ, bé họng phải hứng chịu những đau khổ xưa nay lại tiếp tục chịu đau khổ thêm nữa. 

H.-  Đại lễ Phật đản 2519 – 1973 :  Phật giáo tranh đấu cho Hòa bình : 

Bối cảnh lịch sử :  Chiến tranh Việt nam bắt đầu chuyển hướng, bước sang một giai đoạn mới, đi đến vấn đề chấn dứt chiến tranh. Hoa kỳ chuẩn bị rút quân toàn bộ ra khỏi Việt nam, căn cứ vào Hòa đàm Ba lê và Hiệp ước Hòa bình và chấm dứt chiến tranh.

Chế độ của Nguyễn Văn Thiệu vô cùng thối nát, hết diễn tuồng báo chí xuống đường xách bị gậy đến chuyện chống tham nhũng, các phong trào nổi lên khắp nơi tố khổ chế độ.

Việt nam hóa chiến tranh từ năm Mậu thân 1968 đến mùa hè đỏ lửa càng ngày càng leo thang tột độ. Con đường giao thông quốc lộ I từ Đông hà vào Huế đã mang tên là Đại lộ Kinh hoàng. Tuy thế, sau tháng 06-1972, quân lực Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu trắc nghiệm với thế độc lập.

Hội nghị Phật giáo thế giới, Phật giáo Việt nam kêu gọi Hòa bình sớm vãng hồi cho Việt nam và yêu cầu hai phe lâm chiến phải nghiêm chỉnh thực thi. 

Ý nghĩa lịch sử :  Phật đản 2519, là một thông điệp dấy lên phong trào đòi hỏi hai phe lâm chiến phải có tinh thần tạo một nền hòa bình cho Việt nam, một tinh thần hòa giải dân tộc và đã yêu cầu : 

1.-  Hai bên lâm chiến phải nghiêm chỉnh thực thi về các điều khoản đã ký kết.

2.-  Phật giáo Việt nam nguyện đóng góp tối đa với tất cả những khá năng sẵn có. Cố gắng đem hết công sức của mình để hàn gắn những vết thương chiến tranh. Giáo hội sẽ tận tâm phụng sự xã hội bằng cách cứu trợ cho nạn nhân chiến cuộc. Thiết lập cô, ký nhi viện, những trại tạm trú, . . . Tiếp tay với chính phủ bằng cách tạo những nhà tình thương và đào tạo cán bộ y tế cấp tốc những trạm y tế tại địa phương, nhất là những vùng thôn quê hẻo lánh.

3.-  Mở những lớp học mẫu giáo miễn phí những vùng bị chiến tranh tàn phá, đều do chư Tăng Ni và Phật tử trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy.

4.-  Tiếp tay với chính phủ cứu trợ những vùng bị thiên tai bão lụt, cứu tế những thương bệnh binh và những trại cùi xa tỉnh thị, nhất là miền Trung.

5.-  Tại hải ngoại, thành lập một tổ chức vận động hòa bình cho Việt nam của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. 

I.-  Phật đản 2529 – 1985 :  Giáo hội và Tăng Ni Tín đồ tại quê nhà bị tỏa chiết, tại hải ngoại cố gắng vươn lên : 

Bối cảnh lịch sử :  Vấn đề Thống nhất đất nước thì làm cho người dân Việt cả hai miền ai cũng mong muốn và mong muốn thật sự. Tuy thế, thống nhất như thế nào để đừng đưa đến mạnh được yếu thua, mà người chịu đựng vẫn là con dân nước Việt. Cảnh nồi da xáo thịt. Đó là điều mà chúng ta, ai ai cũng đều suy nghĩ cho dù là làm dân bất cứ miền nào của đất nước.

Thống nhất đất nước không những chỉ sự ước muốn của người dân, mà những nhà lãnh đạo chính quyền có tinh thần vì dân, vì nước thật sự của cải hai miền đều mong muốn và đều đồng tâm hiệp lực cầu nguyện có ngày như vậy, ngoại trừ những kẻ vọng ngoại, mong cầu sự giàu sang, cố tình bóc lột trên xương máu quần chúng Việt nam.

Việc đến và phải đến do sự xếp đặt của các thế lực ngoại bang có quyền quyết định vận mạng đất nước ta, nên đã xảy ra chuyện 30 tháng tư đen của năm 1975. 

Ý nghĩa lịch sử :  Ngày đại lễ Phật đản đầu tiên của sự thống nhất đất nước đã đưa đến :

1.-  Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất bị bức tử ;  Chư tăng ni có vị phải chịu cảnh lưu đày, tù tội xa xứ ;  có vị phải bỏ thân trong ngục tù. Có những vị, vì lý tưởng tự do và quyền hành đạo cũng như truyền đạo không được thực hiện, nên chấp nhận lấy ngọn lửa để tự thiêu thân tập thể như 12 vi Tăng Ni ở Rạch Ngòi, Cần Thơ. Rồi đưa dần đến những cái chết của quý Hòa thượng Thích Thiện Minh, Hòa thượng Thích Trí Thủ, . . . Hòa thượng Thích Huyền Quang bị lưu đày tại chùa Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi, Hòa thượng Thích Quảng Độ bị lưu đày trở về nguyên quán ở Thái Bình, Hòa thượng Thích Đức Nhuận nguyên Chánh  thư ký Viện Tăng Thống cùng quý Thượng tọa Tuệ Sỹ và Trí Siêu lâm cảnh tù tội khổ sai chung thân.

2.-  Hàng Tín đồ : Nhà tan cửa nát, con xa cha, vợ xa chồng. Hơn một nửa phải vào các trại tù với danh hiệu “Học tập cải tạo”.

3.-  Gần hai triệu con dân nước Việt phải tìm cái sống trong cái chết, bằng cách vượt biên, vượt biển để đổi lấy hai chữ “Tự do”, trên khắp thế giới.

4.-  Người con Phật, ra đến hải ngoại cưu mang :  Tìm cuộc sống khả dĩ, tìm kinh tế cho gia đình nơi định cư, hướng về quê nhà để giúp thân nhân. Song song với cuộc sống, tìm hoàn cảnh thuận duyên để phục hoạt lại Giáo hội Phật Giáo Việt nam Thống nhất bằng cách xây dựng lại chùa chiền trong khả năng hạn hẹp lúc ban đầu.

5.-  Các Đại giới đàn được mở ra để truyền thọ giới tử “Tục diệm truyền đăng” giữ gìn mạng mạch của Phật giáo:

Canada thì có Giới đàn Tịnh Khiết, Hoa Kỳ có Đại giới đàn Thiện Hòa tại Phật Học Viện Quốc Tế, Âu châu có Đại giới đàn Liễu Quán tại chùa Thiện Minh, thành phố Lyon – Pháp quốc, v.. v... 

J.-  Phật đản 2536 -1992 :  Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất tại Hoa kỳ, hình thành – Giáo hội PGVNTN các châu và Canada cũng được thành lập. 

Bối cảnh lịch sử :  Trong khi Giáo HPGVNTN tại quê nhà bị tê liệt cả trăm ngàn lần, thì tại hải ngoại bắt đầu xuất hiện các giáo hội như là :

Hoa kỳ thì có :

-  Tổng hội Phật giáo Việt nam,

-  Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất – Hoa kỳ,

-  Giáo hội Liên tôn,

-  Giáo hội Phật giáo Nam tông, . . . 

Canada :

-  Giáo hội Tăng già trên thế giới,

-  Tổng giáo hội Canada, . . .

Âu châu và Úc châu cũng đều có Giáo hội. 

Ý nghĩa lịch sử :  Khâm thừa Di huấn của cố Ðại lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, Chánh thư ký Xử lý viện Tăng thống ;  vâng lời Giáo chỉ của Hòa thượng Thích Huyền Quang, quyền Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ;  nên quý chư tôn Giáo phẩm :  HT. Hộ Giác, HT. Ðức Niệm, HT. Chánh Lạc, HT. Thắng Hoan, HT. Trí Chơn, TT. Thiên Trì, TT. Tịnh Từ, TT. Minh Ðạt, TT. Tín Nghĩa, TT. Minh Dung, TT. Viên Lý, TT. Nguyên An, TT. Nguyên Trí, TT. Nguyên Siêu, TT. Giác Lượng, ĐĐ Giác Đẳng, ĐĐ Huyền Việt, ... cùng chư tôn Ðại Ðức và toàn thể Tăng Ni Tín đồ tại Hoa kỳ, đã đồng tâm nhất trí đứng lên vận động Thống nhất Phật Giáo tại Hoa Kỳ suốt tám tháng liên tiếp.             

Ðại hội thành công mỹ mãn trong các ngày 25, 26 và 27 tháng 09 năm 1992 tại thành phố San Jose, miền Bắc của tiểu bang California với tinh thần tương thân, tương kính, tương sám và tương thuận như Giáo Hội Mẹ tại quê nhà đang mong mỏi.

1.-  Giáo hội Phật Giáo Việt nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa kỳ đã được hình thành gồm : 

a.-  Một bản Quy chế, 

b.-  Một Hội đồng Đại diện (Sau khoáng đại III đổi lại thành Hội đồng Giáo phẩm) gồm :

            -  Có vị Chánh Văn Phòng,

            -  Một hay nhiều vị Phụ tá, 

c.-  Một Hội Đồng Điều hành gồm :

            -  Chủ tịch,

            -  Nhiều vị Phó chủ tịch,

            -  Tổng thư ký và Phó tổng thư ký,

            -  Thủ quỷ và Phó thủ quỷ,

 Các vụ : 

            -  Vụ Tăng sự,

            -  Vụ Ni bộ,

            -  Vụ Hoằng pháp,

            -  Vụ Văn hóa,

            -  Vụ Giáo dục,

            -  Cư sĩ,

            -  Vụ Thanh niên và Gia đình Phật tử,

            -  Vụ Cư sĩ,

            -  Vụ Truyền thông,

            -  Vụ Giao tế,

            -  Vụ Kinh tế tài chánh,

            -  Vụ Pháp chế,

            -  Vụ Nghi lễ. (Sau đại hội Khoáng đại III, nhóm họp tại chùa Cổ Lâm, Seattle, WA. được đổi thành Tổng vụ). 

Các Ban và Ngành, . . . 

Ngoài ra còn có các miền : 

            -  Miền Liễu Quán,

            -  Vạn Hạnh,

            -  Tố Liên,

            -  Miền Thiện Luật,

            -  Miền Tịnh Khiết,

            -  Miền Quảng Đức,

            -  Miền Khánh Hòa,

 -  Khuông Việt,

 -  Vĩnh Nghiêm, 

Có miền có vị Chánh, Phó Đại Diện, có miền thì chưa được đầy đủ nhân sự như ý muốn. 

d.-  Hội Đồng Giám Luật, (Sau Khoáng đại III, không còn nữa) gồm : 

            -  Chủ tịch,

            -  Phó chủ tịch,

            -  Thành viên Hội đồng, 

e.-  Hội đồng Giám sát (Sau khoáng đại III, không còn nữa) gồm : 

            -  Chủ tịch,

            -  Phó chủ tịch,

            -  Thành viên Hội đồng. ... 

K.-  Phật đản 2530 – 1999 :  Đại hội Khoáng đại VIII :  Hợp thức hóa Hội đồng Lưỡng Viện tại quê nhà đang bị tê liệt, không có điều kiện để phục hoạt và sinh hoạt. 

Bối cảnh lịch sử :  Trong suốt 22 năm, kể từ Khoáng đại VII được nhóm họp vào ngày 23 tháng 01 năm 1977, tại Tổ đình Ấn Quang – Sài gòn thì trong các ngày 13, 15 và 15 tháng 09 năm 1999, tại Phật Học Viện Quốc Tế, tiểu bang California, thành phố North Hills, lại tiếp sức và vùng dậy tinh thần Giáo Hội Phật Giáo Việt nam Thống nhất trong và ngoài nước.

Đại lễ Phật đản 2530 – 1999 được trang trọng tổ chức và cử hành tại thành phố Santa Ana, miền Nam California, quy tụ trên Ba mươi bảy ngàn (37,000) đồng bào, với gần Mười bốn phái đoàn Phật giáo của các quốc gia Đông Nam Á tham dự. Đặc biệt Đại hội Khoáng đại VIII nầy, cố Hòa tượng Thích Đức Niệm, Chánh văn phòng Hội đồng Đại diện là Trưởng ban. Và, là Đại lễ Phật đản lớn nhất, quy tụ Đồng bào Phật tử cũng như quý Phái đoàn Phật giáo nhiều nhất tại hải ngoại, kể từ khi có làn sóng con dân nước Việt vượt biên, vượt biển đi tìm tự do.

Cũng từ đại lễ Phật đản nầy trở về sau, những chuyển biến của các Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa kỳ, Canada và các châu lục đã lớn mạnh, đã đóng góp tích cực cho quê hương, xứ sở và Giáo hội Mẹ dưới nhiều hình thực cụ thể và thiết thực. 

Ý nghĩa lịch sử :  Kể từ Đại hội VIII do giáo hội Mẹ úy thác, và Phật đản lịch sử 2530 nầy, đánh dấu những sự kiện đáng kể :

1.-  Suy cử  hòa thượng Thích Đôn hậu, xử lý viện Tăng Thống lên ngôi vị Đệ Tam Tăng Thống, tại đại hội Khoáng đại nhóm họp tại chùa Cổ Lâm, Seattle, WA.

2.-  Hội đồng Điều hành của Giáo hội đã đến trụ sở Liên hiệp quốc, tại Nữu Ước (Hoa kỳ) cũng như tại Genève (Thụy sĩ) để vận động cho Giáo hội Mẹ được phục hoạt, cũng như có Nhân quyền tại Việt nam.

3.-  Kế đó, các đại hội của các tổng vụ được diễn ra : 

            -  Đại hội Tổng vụ Văn hóa, họp chùa tại Phật Đà ở San Diego, California,

            -  Đại hội Tổng vụ Cư sĩ, họp tại Tổ đình Từ Đàm Hải ngoại, Dallas, Texas

            -  Đại hội Tổng vụ Thanh niên, sơ bộ tại Tổ đình Từ Đàm Hải Ngoại, chính thức tại chùa Diệu Pháp, miền Nam California.

4.-  Cung thỉnh đức Hòa thượng Thích Huyền Quang, đương kim xử lý Viện Tăng thống lên ngôi vị Tăng Thống.

5.-  Cung thỉnh chư Tôn túc vào Hội đồng chứng minh của GHPGVNTN trong cũng như ngoài nước,

6.-  Công bố Hội đồng Lưỡng viện của Giáo hội Mẹ, họp tại Tu viện Nguyên-Thiều  -  Bình Định cùng với biến cố Lương Sơn.

7.-  Bổ sung nhân sự vào Văn phòng II Viện Hóa Đạo, . . .

8.- Ngày 18 tháng 12 năm 2005, lễ kỷ niệm 30 năm, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị nhà cầm quyền Cọng sản Việt nam tìm cách bức tử, chư tôn đức Tăng Ni cũng như hàng Phật tử bảo vệ Chánh pháp bằng cách tự lấy ngọn lửa để thiêu thân ;  nói lên ý chí sắt son phụng sự đạo và lẽ sống tự do của người dân. 

Tuy nhiên, hằng năm Giáo hội PGVNTNHN-Hoa kỳ đều có long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản thật trang nghiêm đến những vùng Phật tử và Đồng hương cư trú đông đúc như :  San Jose, San Diego, Minnesotta, v.. v… 

L.-  Kỷ Niệm :  Ba Mươi Nam, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Tranh Đấu 

            Bối cảnh lịch sử :   Như chúng ta đều biết, chính sách Cộng Sản trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đều có chung một chủ trương :  Không Tôn giáo, hoặc có, thì cũng là công cụ của chính thể Cộng Sản. 

            Thực vậy, kể từ tháng Tư đen – 1975, miền Nam Việt Nam hoàn toàn do Cộng Sản kiểm soát, thì vẫn có tôn giáo trong giáo điều (họ cho là Hiến pháp) của họ được nói lên rằng :  Tự do tôn giáo và tự do không tôn giáo. Nhưng thực ra, họ dàng dựng một tôn giáo theo kiểu của Đảng và Nhà nước kiểm soát chặt chẻ. Phật giáo Việt nam không nằm ra ngoại lệ đó. 

            Ý nghĩa lịch lịch sử :  Khi Cộng Sản cưởng chiếm miền Nam Việt Nam, họ đã bắt bớ, giam cầm, tù đày hoặc phân hóa những Tăng Ni và Tín đồ có tâm đạo nhiệt thành. Thu hồi chùa chiền mà đặc biệt là các vùng thôn quê thật vô cùng trầm trọng. Bởi thế, đã đưa đến cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất những chua xót và đau đớn, nên trong những ngày Đại hội Thường niên, kỳ 1, nhiệm kỳ IV của GHPGVNTNHN-HK, đã nhóm họp và đưa ra những Quyết nghị như dưới đây : 

QUYẾT NGHỊ 15 ÐIỂM 

của Ðại hội Thường niên lần 1 nhiệm kỳ IV 

GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ - Văn phòng II Viện Hóa Ðạo 

Ðại hội Thường niên kỳ 1 nhiệm kỳ IV Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ - Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo (GHPGVNTNHN-HK-VP.II VHÐ) tổ chức tại Chùa Phật Pháp ở thành phố St Petersburg, tiểu bang Florida Hoa Kỳ, trong ba ngày 7, 8 và 9.10.2005, đã thể hiện sâu xa tinh thần "kiến hòa đồng giải" (1) với Ý thức Giải nguy hiện trạng nội ma ngoại chướng đang phân hóa cộng đồng dân tộc và cộng đồng tôn giáo. 

Sau ba ngày Ðại hội, qua bốn cuộc họp khoáng đại sôi nổi, chư Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni và quý đạo hữu Cư sĩ, đại diện 33 phái đoàn thuộc các Hội đồng, các Tổng vụ và các Miền, kiểm điểm Phật sự trong năm vừa qua với ý chí thiết tha kiện toàn Giáo hội và vạch hướng phát huy sinh hoạt Giáo hội tại hải ngoại liên hệ với tình hình trong nước. Ðặc biệt Ðại hội này có sự tham dự của Ðại biểu các Giáo hội đến từ Âu châu, Canada, Úc Ðại lợi và Tân Tây Lan. 

Khâm thừa Quyết định 27/VPLV do Ðại lão Hòa thượng Xử lý Thường vụ Hội đồng Lưỡng viện ký ngày 10.12.1992 về việc công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ là Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, Ðại hội khai triển Quyết nghị thành lập Hội đồng Thường vụ Văn phòng II Viện Hóa Ðạo thông qua tại Ðại hội Khoáng đại III tháng 10.2004, thành văn bản Dự thảo Quy chế Văn phòng II Viện Hóa Ðạo để trình Hội đồng Lưỡng viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, phê chuẩn. Ðây là bước tiến mới trong việc liên kết và điều hợp Phật sự giữa các châu. 

Sau khi nghe 12 Báo cáo hoạt động của các Tổng vụ thuộc Hội đồng Ðiều hành GHPGVNTNHN-HK - VP.II VHÐ và nghe hiện tình sinh hoạt tại Âu châu, Canada, Úc đại lợi và Tân Tây Lan, Ðại hội vô cùng phấn khởi trước sự phát triển ngày càng lớn của Giáo hội tại hải ngoại trên các lĩnh vực xã hội từ thiện, cứu trợ thiên tai, hoằng pháp, văn hóa, truyền thông và vận động quốc tế. 

Ðại hội đồng thanh quyết nghị : 

1. Phấn khởi và hỗ trợ công cuộc phát triển của Giáo hội trong nước thông qua sự thiết lập 5 Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại các tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng, Thừa thiên - Huế, Bình Ðịnh, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu trong ba tháng vừa qua ; 

2. Chiếu Quyết nghị thông qua tại Ðại hội Khoáng đại III tháng 10.2004, tổ chức Kỷ niệm "30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho Tự do tôn giáo và Nhân quyền" vào ngày 18.12.2005 tại Chùa Diệu Pháp, trụ sở trung ương của Giáo hội, ở thành phố San Gabriel, California. Ngoài việc đánh dấu mốc thời gian trên đường thành tựu, mục đích còn để tỏ lòng tri ân, tưởng niệm và tôn vinh 22 Tăng, Ni và Phật tử hy hiến thân tâm bảo vệ Chánh pháp, Tự do, Nhân quyền, mà 12 Tăng Ni tự thiêu tập thể ngày 2.11.1975 tại Thiền viện Dược sư, tỉnh Cần Thơ, là những Ngọn Ðuốc mở đầu cuộc vận động lịch sử cho Tự do tôn giáo và Nhân quyền tại Việt Nam. Ðại hội hỗ trợ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế phát hành cuốn sách "30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho Tự do tôn giáo và Nhân quyền" thu tập các văn kiện, tài liệu trong và ngoài nước suốt thời gian vận động 30 năm, 1975 - 2005 ; 

3. Phát huy thành quả cụ thể trong năm 2005, gia tăng tổ chức quy mô các khóa tu học, an cư kiết hạ cho chư Tăng, Ni năm tới, và mở rộng các khóa hoằng pháp cho Phật tử các giới ; 

4. Tổ chức học tập các văn kiện, thông điệp và tài liệu do Hội đồng Lưỡng viện trong nước và Văn phòng II Viện Hóa Ðạo ở ngoài nước công bố. Tổ chức những chuyến viếng thăm thường niên qua các châu ; 

5. Mời gọi sự tham gia của giới Trí thức, Nhân sĩ và Cư sĩ trong công cuộc Vận động dân tộc cho Tự do, Nhân quyền và Dân chủ ; 

6. Hỗ trợ và phát huy phong trào Gia Ðình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, mà những thành quả khích lệ thời gian qua biểu hiện sức sống năng động của thế hệ trẻ Phật giáo ; 

7. Tiến hành Quyết nghị của Tổng vụ Văn hóa tổ chức kỷ niệm các nhà văn hóa quá cố và trao giải thưởng văn học và nghiên cứu cho các nhà văn, học giả hiện thời ; 

8. Rút kinh nghiệm các cuộc cứu trợ của Giáo hội cho các nạn nhân Sóng Thần tại Thái Lan, Nam Dương, Tích Lan, giúp đỡ người tị nạn Việt Nam ở Phi Luật Tân, Cam Bốt, cũng như các cơn bão lớn tại Hoa Kỳ và Việt Nam, cơ cấu hóa công tác từ thiện xã hội để phục vụ kịp thời những nạn nhân khi thiên tai xẩy đến, nhằm thể hiện cụ thể lòng từ bi của Phật giáo ; 

9. Yểm trợ bằng mọi phương diện cho công tác đào tạo Tăng tài tại Thừa thiên - Huế và các tỉnh khác ở Việt Nam ; 

10. Thiết lập Ban Tri ân và Báo hiếu đối với chư vị tôn túc cao tuổi trong và ngoài nước ; 

11. Ðại lễ Phật Ðản 2550 sẽ được tổ chức tại Santa Ana, miền Nam California Hoa Kỳ, vào thượng tuần tháng Tư âm lịch Bính Tuất, 2006, do Hòa thượng Thích Chơn Trí đảm trách ; 

12. Ðại hội Thường niên kỳ 2 nhiệm kỳ IV sẽ được tổ chức tại chùa Thích Ca Ða Bảo ở San Jose, miền Bắc California, trong dịp lễ Colombus năm 2006 và do Hòa thượng Thích Trí Lãng đảm trách ; 

Trên lĩnh vực hoạt động đối ngoại và quốc tế :                                     

1. Mở rộng công tác ngoại giao thân hữu với các phong trào Phật giáo, Nhân quyền và Dân chủ trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia Châu Á ; 

2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ cùng với Giáo hội các châu tiếp tục cuộc vận động quốc tế để hoàn tất mục tiêu tối hậu : đòi hỏi trả tự do cho Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và chư Thượng tọa giáo phẩm thuộc Hội đồng Lưỡng viện bị bắt ngày 9.10.2003 và quản chế sau Ðại hội Nguyên Thiều, đặc biệt phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; 

3. Kêu gọi sự hậu thuẫn của thế giới thực hiện Chương trình 8 điểm trong "Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam" do Hòa thượng Thích Quảng Ðộ nhân danh Hội đồng Lưỡng viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, công bố năm 2001, như một tiến trình dân chủ hóa Việt Nam bằng tình nghĩa dân tộc và phương thức bất bạo động, nhằm chấm dứt tình trạng phân tranh, nghèo đói, suy kiệt của đất nước; 

Phật lịch 2549 –

Làm tại Chùa Phật Pháp, thành phố St Petersburg, tiểu bang  Florida,

Hoa Kỳ, ngày 09 tháng 10 năm 2005.

-----------------------------

(1) Kiến hòa đồng giải :  Hòa hợp giải thích và chia sẻ các ý kiến bất đồng để tiến đến sự thông cảm huynh đệ, là một trong sáu phép chung sống hòa kỉnh (Lục hòa) của chư Tăng, Ni và Phật tử.

----------------------------

            Và, Giáo hội đã quyết định tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm GHPGVNTN bị đàn áp vào lúc 2giờ00 chiều Chủ nhật, ngày 18 tháng 12 năm 2005, tại chùa Diệu Pháp, Văn phòng Trụ sở của Giaó hội được diễn ra như sau : 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI LOS ANGELES NGÀY 19.12.2005 

*.-  2000 chư Tăng Ni, Phật tử và Đồng bào các giới tham dự Đại lễ kỷ niệm 30 năm GHPGVNTN vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại chùa Diệu Pháp ở miền Nam California –  

*.-  Đạo từ của Đức Tăng thống, Huấn từ của Hòa thượng Thích Quảng Độ,  

*.-  Thông điệp của Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush cùng những lời phát biểu của Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ryszard Czarnecki, Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Christopher Smith... làm cho buổi lễ trang nghiêm tăng phần long trọng và ý nghĩa 

80 chư Tăng Ni đã vân tập về trụ sở Trung ương của  Giáo Hội Phật Giáo  Việt Nam Thống Nhất Hảí Ngoại Tại Hoa Kỳ  - Văn  Phòng II Viện Hóa Đạo (GHPGVNTNHN-HK – VP II VHĐ) cùng với 2000 đồng bào các giới và đồng bào Phật tử tham dự Đại lễ kỷ niệm 30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại chùa Diệu Pháp, thị trấn San Gabriel, miền Nam bang California, vào lúc 11 giờ sáng ngày chủ nhật 18.12.2005. 

Trên lễ đài một hàng biểu ngữ màu vàng cam giăng ngang hai mươi thước ghi dòng chữ : 

“30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ” 

Lễ đài dựng quanh một ngọn đuốc cao 18 thước với ánh lửa bập bùng, bên dưới ba bức chân dung lớn : Bồ tát Thích Quảng Đức ngồi trong lửa đỏ, Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ trong hình dáng Người tù bên vòng vây công an. 

Khóac những chiếc y vàng tươi hay nâu dà, 22 Hòa thượng, Thượng tọa Việt Nam đại diện Giáo hội tại Hoa Kỳ và Canada, cùng chư Tăng Thái Lan, Tích Lan, Hoa Kỳ trang nghiêm bước lên lễ đài dâng vòng hoa tưởng niệm và cắm 22 ngọn đuốc dưới 22 linh vị ghi tên tuổi 22 chư Tăng Ni, Phật tử vị pháp vong thân trong thời gian 30 năm qua để cho đạo pháp và dân tộc trường tồn. Rồi tiếng kinh Bát nhã trầm hùng quyện theo lời kinh Pali như những đợt hải triều âm vang vọng vào lòng người xa xứ hướng tâm nhớ tưởng và tri ân 22 Người đã nằm xuống cho mình được sống còn và đất nước đứng lên ; trong khi ấy một giọng đọc bi hùng của Hòa thượng Thích Chánh Lạc xướng danh, tên tuổi cùng hành trạng hy sinh của 22 chư Tăng Ni, Phật tử vị pháp vong thân : 

12 Tăng Ni tự thiêu tập thể  ngày 29 tháng 9 Ất Mão (2.11.1975) tại Thiền viện Dược Sư, Ấp Tân Long A, xã  Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ : Ðại đức Thích Huệ Hiền, thế danh Phạm Văn Có, 30 tuổi, trụ trì Thiền viện Dược sư - Sa di Thích Minh Thạnh, thế danh Trần Văn Sang, 20 tuổi - Sa di Thích Minh Hiển, thế danh Phạm Văn Anh, 17 tuổi - Thích Nữ Diệu Phước, thế danh Nguyễn Thị Tiếp, 58 tuổi - Thích Nữ Diệu Ðịnh, thế danh Lê Thị Thiền, 54 tuổi - Thích Nữ Diệu Tánh, thế danh Lê Thị Tâm, 34 tuổi - Thích Nữ Diệu Hạnh, thế danh Nguyễn Thị Ðạo, 23 tuổi - Thích Nữ Diệu Trường, thế danh Dương thị Mỹ Lệ, 23 tuổi - Thích Nữ Diệu Thiền, thế danh Phạm Thị Nương, 22 tuổi - Thích Nữ Diệu Tốt, thế danh Trần Thị Phương, 17 tuổi - Thích Nữ Diệu Xuân, thế danh Lê Thị Thu, 15 tuổi - Thích Nữ Diệu Nghiêm, thế danh Lê Thị Út, 14 tuổi - Hòa thượng Thích Thiện Minh, thế danh Ðỗ Xuân Hàn, sinh năm Nhâm Tuất (1922) tại làng Bích Khê, huyện Triệu phong, tỉnh Quảng Trị, Cố vấn Ban Chỉ đạo Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị tra tấn đến chết tại Trại X4 sở Công an của Bộ ở đường Nguyễn Trãi ngày 15 tháng 9 âm lịch Mậu Ngọ (16.10.1978) - Ðại đức Thích Viên Thông, thế danh Nguyễn Ngọc Thanh, sinh năm 1949, chùa Phổ Tịnh, An nhơn, Bình định, bị xử tử hình tại Gia lai năm 1978, vì đòi hỏi tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ - Ðại đức Thích Hạnh Nguyện, thế danh Phạm Hoàng Sinh, sinh năm Giáp Thân (1944) tự thiêu tối ngày 29 tháng 10 Mậu Ngọ (29.11.1978) tại chùa Quang Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi - Ðại đức Thích Thiện Ân, sinh năm 1964, bị Công an Thủ đức tra tấn đến chết ngày 5.9.1992 - Cư  sĩ Viên Lạc Phạm Gia Bình, Huynh trưởng cấp Tín Gia đình Phật tử, sinh ngày 12.1.1950 tại Thái Bình, Bắc Việt Nam, tự thiêu ngày 6.4.1993 tại thành phố Boston, Hoa Kỳ - Cư sĩ Nguyễn Ngọc Dũng, sinh năm 1964 tại thôn Quảng Thành, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Ðiền, tỉnh Thừa thiên, quy y Cố Hòa thượng Thích Ðôn Hậu năm 1967, tự thiêu ngày 21.5.1993 trước Bảo tháp Ðức Cố Ðệ Tam Tăng thống tại chùa Linh Mụ, Huế - Ðại đức Thích Huệ Thâu, thế danh Lê Văn Hoàn, 43 tuổi, tự thiêu ngày 28.5.1994 tại Tịnh xá Ngọc Phật ở Ba Càng, tỉnh Vĩnh Long - Nữ Cư sĩ Sabine Kratze, pháp danh Từ Tâm, người Ðức, sinh năm 1970 tại Munchen, Bayern, Ðức, tự thiêu lúc 19 giờ 15 ngày 3.9.1995 tại đường Lý Tự Trọng, quận 1, Saigon, để cầu nguyện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sớm thoát cảnh pháp nạn và phản đối vụ án bất công ngày 15.8.1995 đối với Phái đoàn Viện Hóa Ðạo, GHPGVNTN, Cứu trợ lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long do Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cầm đầu - Cư sĩ Hạnh Minh Hồ Tấn Anh, Huynh trưởng cấp Tín Gia đình Phật tử, sinh ngày 1.12.1940 tại xã Duy Thành, huyện Duy xuyên, tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng, tự thiêu ngày 2.9.2001 tại thành phố Ðà Nẵng - Thượng tọa Thích Chân Hỷ, thế danh Lê Vệ, sinh năm Canh Ngọ, ngày 1.5.1929, tại làng Lệ Khê, xã Hương Sơn, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, tự thiêu ngày 24.12.2003 tại chùa Liên Hoa, thành phố Charlotte, bang North Calonina, Hoa Kỳ. 

Trong Đạo từ gửi đến đại lễ kỷ niệm do Hòa thượng Thích Thắng Hoan tuyên đọc, Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang nhấn mạnh tính chất biểu tượng của những cái chết nhằm thánh hóa sự sống ấy như sau : "Chúng ta sống còn đến ngày hôm nay, Giáo hội còn tồn tại cùng sông núi cho đến ngày hôm nay, là nhờ vào những người biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư, đem ý chí cao cả, bất khuất và cái chết để thánh hóa sự sống, hiến cúng cho chánh pháp trường tồn, hiến dâng cho đồng bào các giới thoát khỏi mọi áp bức, thù hận, tù đày, nghèo đói, bất hạnh. Danh sách 22 chư Tăng, Ni và Cư sĩ vị pháp vong thân mà Ðại lễ tôn vinh và tưởng niệm hôm nay cần được xem như biểu tượng cho cuộc vận động 30 năm của Giáo hội. Vì còn biết bao những người vô danh khác nữa, biết bao người bị bức tử nơi rừng sâu, trong các trại tù, biết bao người bị tra tấn, thảm sát nơi các phòng thẩm cung, biết bao người chết qua lằn đạn ám hại hay hành quyết, v.v... mà lịch sử chưa thể ghi nhận đủ vì còn bị che giấu dưới vỏ bọc chế độ“. 

Trong bài diễn văn khai mạc đại lễ, Hòa thượng Thích Hộ Giác, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành GHPGVNTNHN-HK  -  Văn phòng II VHĐ, cảnh giác Phật giáo đồ các luận điệu sai lầm về thực tại Việt Nam, về công cuộc vận động quốc tế, mà các thế lực đen tối tung ra nhằm phá hoại nỗ lực vận động của Giáo hội cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ Hòa thượng Thích Hộ Giác nói : 

"... Ba mươi năm qua là một thời kỳ mà dân tộc và đạo pháp đi vào tình trạng cực kỳ phức tạp. Tuy chiến tranh chấm dứt, nhưng không thể gọi là hòa bình. Cả nước cùng chế độ, nhưng khó nói là thống nhất. Đổi mới thật nhiều, nhưng lúc nào cũng lạc hậu. Cộng cuộc vận động cho nhân quyền, dân chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong suốt giai đọan đó là một thể hiện cực kỳ quan trọng của dân tộc không thể không nhận định nghiêm túc bởi bất kỳ ai quan tâm đến sự thịnh suy của đất nước. Giáo hội đã lên tiếng thật sớm, ngay từ những ngày đầu sau 30.4.1975 về những đàn áp bất công đối với tôn giáo và dân chúng. Đó là thời điểm mà khí thế và uy quyền tuyệt đối của kẻ thắng trận phủ ngợp lấy Việt Nam. Những Tăng Ni của Giáo hội đã thắp lên Ngọn Đuốc sáng cho nhân quyền trước bạo lực, khi mọi tiếng nói của lẽ phải bị bóp chết. Hàng giáo phẩm sẵn sàng vào tù ra khám và bức tử vì thái độ độc lập với chánh quyền. Giáo hội đã tiếp tục hiện hữu trong sự giam cầm cùng tình trạng của dân tộc tồn tại trong xích xiềng kềm kẹp. Cho đến hôm nay, trong thông điệp của Giáo hội gửi cho tòan thể cộng đồng nhân lọai, là nhân quyền không thể thật sự có được, nếu thiếu dân chủ. Ý nghĩa đó là nhất quán không gì thay đổi từ ngay buổi ban đầu cho đến hôm nay. 

"Có một số người quan niệm rằng, chỉ cần có cơm áo là đủ. Nhưng nhân quyền và dân chủ vốn thật sự quan trọng. Hãy nhìn vào những gì mới xẩy ra gần đây đối với những người nghèo sống gần Thẩm Quyến ở Trung quốc. Sự cải cách đơn thuần về kinh tế chỉ làm giàu có thêm kẻ đầu tư lắm bạc nhiều tiền, nhưng không mang lại công bằng phải chăng cho kẻ thấp cổ bé miệng. 

"Có một số người quan niệm rằng, nhân quyền, dân chủ là điều tự nhiên phải đến với dân tộc Việt Nam. Chúng ta đừng quên rằng sự tự do mà mấy triệu người Việt Nam ở hải ngọai đang có được, đâu phải tự nhiên có được, mà phải đánh đổi bao nhiêu hy sinh và mất mát. Dân tộc Việt Nam phải im lặng chấp nhận hy sinh bao nhiêu thế hệ nữa để và được có tự do tối thiểu so với những dân tộc láng giềng đang hưởng được ? 

"Có một số người quan niệm rằng, vận động công luận thế giới cho nhân quyền chỉ là một trò đùa, vì nhân quyền là giá trị của phương Tây, không thật sự lợi ích gì cho dân tộc Việt ; hoặc những Quyết nghị của các cơ quan công quyền vốn chỉ là những văn kiện hành chánh không thật sự có ảnh hưởng. Nói vậy là quên rằng, thế giới ngày nay ngày càng thu hẹp địa phận, không phận, hải phận của các quốc gia không tách biệt sự tồn tại của dân tộc ra khỏi cộng đồng nhân lọai. 

"Tiếng nói của chính giới cho dù chỉ là sự trình bày quan điểm cũng là giá trị không thể phủ nhận. Nếu công luận không quan trọng, thì chẳng lẽ bạo động hay thụ động lại cải thiện được cục diện chăng ? Những lên tiếng của Liên Âu và Hoa Kỳ về tự do tín ngưỡng, nhân quyền trong thời gian qua chắc chắn ảnh hưởng rất tích cực đến sự thể tại Việt Nam. 

"Khát vọng cao qúy là điều đáng qúy, kẻ thành đạt không thể không có hy sinh. Linh vị của 22 Tăng Ni, Phật tử xả thân cho công cuộc vận động suốt 30 năm qua là những ghi đậm sự đóng góp ấy. Trên gương mặt của nhị vị Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội còn rõ nét của hơn 20 năm cấm cố ở Nghĩa Hành và Vũ Đòai. 

"Những văn kiện của các cơ quan lập pháp, hành pháp trên thế giới nói thẳng, nói mạnh về bi kịch pháp nạn, quốc nạn tại Việt Nam là bảo lưu quan trọng về nỗ lực vận động liên tục và bền bỉ của Giáo hội trong và ngòai nước suốt 30 năm qua. 

"Tổ chức lễ kỷ niệm này, chúng ta hãy trang trọng trao cho thế hệ mai hậu những trang sử bi hùng của những người Phật tử, những người con Việt, không vì bạo tàn mà khuất phục, không vì yên ấm bản thân mà quên đi nỗi khổ của giống nòi. Không vì thời gian mà xóa đi những hình ảnh hy sinh âm thầm của những con người sống và chết vì lẽ phải. Những bài học lịch sử cho thấy rằng, sinh lộ của dân tộc không nằm ở chủ nghĩa cơ hội, mà ở ý thức minh mẫn của con dân đất nước trước những đảo điên của thời thế. 

"Bằng tất cả tấm lòng thâm tạ, xin thắp lên nén tâm hương tưởng nhớ những anh linh nằm xuống vì Đạo và Đời. Xin đại diện cho Hội đồng Lưỡng viện chân thành biết ơn sự hiện diện đầy ý nghĩa của chư liệt vị hôm nay". 

Huấn từ của Hòa thượng Thích Quảng Độ từ trong nước gửi ra nhắc tới nỗi đày đọa của Phật giáo đồ dưới chế độ cộng sản : 

"Ba mươi năm lập thành một thế hệ. Thế hệ vừa qua, con người tại Việt Nam không được sống trong đạo hạnh và tự do, vì sự áp đặt của một chính quyền vừa chuyên chế vừa áp dụng ý thức hệ ngoại lai không thích hợp với lòng người và truyền thống văn hóa dân tộc. Vì thế toàn dân bị trấn áp, xã hội suy đốn, học thuật bế tắc, từ giới trí thức đến người lao lực không phát triển được tài năng sáng tạo nhằm tái thiết quê hương. 

"Cho nên, theo truyền thống nghìn đời của Phật giáo, là "trên cầu trí giác, dưới cứu chúng sinh", Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã đứng trong hàng ngũ quảng đại nhân dân bị thống khổ, bị lăng nhục, để mở đầu cuộc vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ ngay sau ngày 30.4.1975. Trên 300 kiến nghị thư của Viện Hóa Ðạo thời bấy giờ gửi đến nhà cầm quyền yêu sách giải quyết các sự trạng bất công, kỳ thị, đàn áp, phá hủy chùa chiền, đập vỡ tượng Phật. Nhà nước Cộng sản hồi âm bằng sự im lặng và gia tăng khủng bố. Khiến cho 12 Tăng Ni ở Thiền viện Dược sư, tỉnh Cần Thơ, tự thiêu tập thể ngày 2.11.1975, mong làm Ngọn Ðuốc soi sáng vô minh và thức tỉnh cường quyền. Do toàn bộ hồ sơ Viện Hóa Ðạo bị đốt cháy khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến đoạt thủ trụ sở Trung ương của Giáo hội tại chùa Ấn Quang ngày 7.7.1982, nên chỉ còn lại trong trí nhớ danh sách 22 chư Tăng Ni, Phật tử vị pháp vong thân thời gian 30 năm qua. Còn toàn bộ hàng giáo phẩm Giáo hội cùng Phật tử toàn quốc thì kẻ bị tù đày, người bị thảm sát. Tăng Ni bị bó buộc hoàn tục, sung vào lính sang chiến trường Campuchia, tài sản giáo hội bị tịch thu, cơ sở văn hóa, giáo dục, từ thiện bị cưỡng chiếm. Nói làm sao hết nỗi thương tâm, đày đọa. 

"Tuy nhiên, người Phật tử lấy từ bi, bất sát, đối diện với bạo ác, hiếu sát. Lấy pháp môn Cứu khổ Cứu nạn đối diện với tù đày và khủng bố. Nên Giáo hội vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay, và ngày càng phục hồi quyền sinh hoạt đương nhiên của mình. Có được bước tiến lịch sử ấy, là nhờ sự kiên cường bất khuất của chư Tăng Ni, Phật tử trong nước, và sự hỗ trợ đắc lực của chư Tăng Ni, Phật tử hải ngoại làm cho công luận thế giới can thiệp bảo vệ Giáo hội". (...) 

Từ Tòa Bạch Ốc ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush gửi lời chào đón Đại lễ và tán dương "Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất họat động 30 năm qua cho tự do tôn giáo".

Thông điệp do Hòa thượng Thích Trí Chơn tuyên đọc : 

*

*      * 

TÒA BẠCH ỐC

Hoa Thịnh Đốn ,15 tháng 12 năm 2005  

Tôi xin gửi lời chào mừng đến quý liệt vị tham dự Lễ kỷ niệm 30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền, và dân chủ. 

Khắp nơi trên thế giới, biết bao nhiêu trái tim và khối óc hướng nhìn vào thông điệp tự do cho con người. Bốn thập kỷ qua chúng ta chứng kiến tiến trình tự do nhanh nhất trong lịch sử, minh thị ngưỡng vọng phổ quát cho công lý, nhân quyền, và tự do. Trong tinh thần ấy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã họat động 30 năm qua cho tự do tôn giáo tại Việt Nam. 

Tôi ngỏ lời tán thán quý liệt vị đã tận tình xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn để cho tự do con người được bảo vệ. Bằng cách thăng tiến hòa bình và khoan hồng tôn giáo, quý vị đang góp phần công đức vào niềm hy vọng tương lai cho thế hệ cháu chắc của quý vị. 

Laura và tôi xin gửi lời chúc mừng đến cuộc lễ kỷ niệm hôm nay 

ký tên

Tổng thống George W. Bush 

* * * * * * * * * * * * * * * 

Nhiều vị Dân biểu hai Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Châu Âu đã lấy làm tiếc không có mặt như dự trù, vì vào phút chót, hai Quốc hội có cuộc họp khẩn cùng ngày với đại lễ Phật giáo. Nên một số vị gửi thông điệp chào mừng Đại lễ, như bà Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Dianne Feinstein, Dân biểu Christopher Smith, v.v... Bà Dân biểu Loretta Sanchez gửi người Phụ tá, là ông Tạ Khôi đến đọc thông điệp hỗ trợ, cũng như Dân biểu bang California Trần Thái Văn cử Luật sư Nguyễn Quốc Lân đến thay mặt phát biểu. Trái lại, bà Judy Chu, Dân biểu bang California đã đến tham dự và phát biểu tán dương sự dũng cảm của GHPGVNTN. Điều đáng khích lệ là Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Ryszard Czarnecki, thay mặt các vị đồng viện từ Âu châu sang tham dự đại lễ để nói lên kinh nghiệm từng trải ở Ba Lan dưới thời kỳ Cộng sản, mà ông gọi là "Đế chế bạo ác", và ông tin tưởng nhân dân Việt Nam sẽ thu đạt tự do, dân chủ như Ba Lan, cũng như xác định Quốc hội Châu Âu hậu thuẫn Phật giáo đồ Việt Nam : 

"Khỏang 95% dân chúng Ba Lan theo Thiên chúa giáo, trên 75% dân chúng Việt Nam theo đạo Phật. Những người tín hữu chúng ta thuộc thành phần đa số tại hai quê hương chúng ta. Các bạn, những người Phật tử, là thành phần đa số trên quê hương các bạn. Các bạn không là thiểu số, mà là đại đa số.

Nói tóm, tự do tôn giáo không là một đặc ân, tự do tôn giáo là một chân lý cơ bản, là quyền con người cơ bản.

Châu Âu luôn nhớ nghĩ tới những người Phật tử Việt Nam.

Châu Âu luôn nhớ nghĩ tới cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam.

Quốc hội Châu Âu bảo vệ và quyết tâm bảo vệ tự do tôn giáo nói riêng và nhân quyền nói chung tại Việt Nam. Chúng tôi, nhân dân Ba Lan, đã thành công giải thể đảng Cộng sản. Còn các bạn hôm nay đây, với sự đấu tranh kiên cường và hậu thuẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhân dân Việt Nam cũng sẽ thành công và thắng lợi như nhân dân Ba Lan". (Tn văn lời phát biểu sẽ đăng tải dưới đây). 

Thông điệp của Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, Christopher Smith, nói lên kế họach quan trọng trong việc áp lực thay đổi chính sách tôn giáo tại Việt Nam, mà ông và các vị dân biểu đồng viện sẽ thực hiện từ đây đến mùa xuân 2006. Chúng tôi đăng tải tòan văn thông điệp này dưới đây. Sau khi nhắc nhở tới chuyến viếng thăm 4 ngày tại Việt Nam đầu tháng 12 này, ông định nghĩa tự do tôn giáo như sau : 

"Tôi không chối cãi rằng đã có đôi chút cải thiện tại Việt Nam, nhưng nhà cầm quyền vẫn chưa hiểu rõ được thực tại cơ bản : đó là tự do tôn giáo không phải là gì có thể lâu lâu phân phát nhỏ giọt một lần, nhất là khi có áp lực quốc tế. Nhà cầm quyền vẫn chưa hiểu được rằng tự do tôn giáo là mẹ của các tự do, vốn ăn sâu mọc rễ trong phẩm giá con người ở mỗi cá nhân. Một nhà cầm quyền chính thống phải công nhận và bảo vệ tự do tôn giáo, chứ không phải là cho phép. Dứt khóat là nhà cầm quyền phải công nhận nhân phẩm và tự do tôn giáo đích thực, sau đó thể chế dân chủ mới có thể và phải được xuất hiện". 

Qua lời phát biểu, Giáo sư Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng Liên tôn tại Hoa Kỳ, nhấn mạnh đến tính chất keo sơn gắng bó giữa các tôn gíao và đề cao cuộc tranh đấu 30 năm qua của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Việt Nam (GHPGVNTN). 

Pháp sư Niên trưởng Thích Giác Đức và Giáo sư Võ Văn Ái trình bày lập trường cùng quá trình vận động của GHPGVNTN cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Pháp sư Thích Giác Đức nhấn mạnh đặc tính tinh thần của GHPGVNTN không phải là một chính đảng, nên không thể nào phục vụ đảng cộng sản, cũng như đảng cộng sản không có quyền bó buộc giáo hội đứng dưới lá cờ của Mặt trận Tổ quốc. GHPGVNTN chỉ vận động cho nhân quyền và dân chủ để giải thể một chế độ độc tài tòan trị, nhằm đem lại tự do, no ấm cho tòan dân. 

Còn Giáo sư Võ Văn Ái thì xác nhận rằng cho đến nay cuộc vận động của Giáo hội chỉ duy nhất đặt vấn đề tôn giáo với chính trị của nhà cầm quyền. Chứ chưa hoặc không hề đặt vấn đề chính trị với chính trị. Thế nhưng nhà nước cộng sản không hề chịu giải quyết vấn đề tôn giáo trong phạm vi dân tộc và chính trị. Trái lại, chỉ truyên truyền vu cáo "GHPGVNTN làm chính trị" rồi chỉ thị cho bọn đặc tình, tức bọn tình báo đặc biệt, bọn trung gian nội gián, bôi nhọ và vu cáo Giáo hội mong mê hoặc một số chư Tăng và Phật tử ! Ông Ái trích dẫn một câu từ Lục độ tập kinh xuất hiện tại nước ta từ thế kỷ thứ III sau Tây lịch để nói lên tinh thần hành họat hiện nay cũng như từ 2000 năm qua của Phật giáo Việt Nam : "Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than". 

Ông Ái nhận định rằng, do áp lực quốc tế ngày càng gia tăng, nên Hà Nội không còn quá tay khủng bố bằng súng đạn và nhà tù. Vũ khí khủng bố ngày nay là quản chế tại gia và ly gián nội bộ các cộng đồng tôn giáo. Ly gián giữa tôn giáo này với tôn giáo kia. Ly gián ngay giữa nội bộ một tôn giáo. Làm cho mô thức "chu trung giai địch" phát triển cùng cực, nghĩa là ngồi cùng thuyền mà vẫn xem nhau như cừu địch. Nếu các tôn giáo, và nội bộ của mỗi tôn giáo không ý thức được điều này, thì sự thành công của thế lực dân tộc khó hiện ra. Ngày xưa các thế lực thực dân đế quốc sai sử bọn trung gian bản địa hòan thành công tác xâm lăng đất nước, thì ngày nay, đảng và nhà nước cộng sản sai sử bọn trung gian nội gián phá hỏng công trình của các cộng đồng dân tộc đấu tranh cho tự do và dân chủ. 

Ông Ái kết thúc bằng lời kêu gọi một Liên minh Tinh thần giữa các tôn giáo để nhăn chận sự tiến công của bạo lực và bạo ác. Ông cũng kêu gọi cho một Liên minh Dân tộc hình thành như Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam của Hòa thượng Thích Quảng Độ cất lên đầu năm 2001. Ông nhấn mạnh, một Liên minh Dân tộc cần thể hiện ở cấp số nhân, chứ không ở cấp số cộng và trừ. Từ 1945 đến nay có một số người, một số đảng phái kêu gọi đòan kết và liên minh. Tuy nhiên nội hàm của những liên minh ấy chỉ che giấu chủ trương đảng tranh, nghĩa là cộng vào nhau để trừ diệt nhau mà thôi. Trái lại, Liên minh ở cấp số nhân là cộng tác bình đẳng và đồng đẳng trong ý chí thiết tha đem lại tự do, no ấm cho tòan dân, nghĩa là nhân lên các khối óc, nhân lên các nỗ lực và sáng kiến, nhân lên các thành quả đấu tranh để hòan thành nghiệp lớn. 

Đại lễ kỷ niệm bế mạc qua lời cảm tạ chư Tôn đức Tăng Ni, các vị quan khách và đồng bào của Thượng tọa Thích Viên Lý, Tổng thư ký Hội đồng Điều hành GHPGVNTNHN-HK – VP II VHĐ kiêm Phó Tổng thư ký Viện Hóa Đạo, và cũng là Trưởng ban Tổ chức ngày Đại lễ. 

Sau đây chúng tôi xin đăng tải nguyên văn các văn kiện : Đạo từ của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, Huấn từ của Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, do hai Hòa thượng Thích Thắng Hoan và Thích Chánh Lạc tuyên đọc ; Thông điệp của Dân biểu Christopher Smith do Thượng tọa Thích Giác Đẳng tuyên đọc ; Chị Ỷ Lan đọc bản Việt dịch lời Phát biểu của Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ryszard Czarnecki, và chị cũng trực dịch tòan bộ buổi Đại lễ sang tiếng Anh cho các quan khách ngọai quốc. Và đặc biệt là Giáo chỉ của Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang về thành phần nhân sự mới của hai Viện Tăng thống và Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo, do Hòa thượng Chủ tịch Thích Hộ Giác tuyên đọc : 

*

*     * 

ÐẠO TỪ CỦA ÐỨC TĂNG THỐNG

nhân Ðại lễ kỷ niệm 30 Năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
vận động cho Tự do tôn giáo, Nhân quyền và Dân chủ Việt Nam
 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 

Kính gởi Liệt vị Tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni
cùng toàn thể Phật tử và quý vị Quan khách, Ðồng bào các giới, 

Thưa Qúy vị,

 Ưu tư lớn nhất của Ðức Ðệ Tam Tăng thống, Cố Ðại lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu trước ngày viên tịch, là sự phát huy Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở hải ngoại. Nên Ngài đã dặn dò qua bức Tâm thư đề ngày 10.9.1991 gởi Chư tôn Giáo phẩm đang hành đạo và tu học ở nước ngoài. Ngài viết : 

“Trong lịch sử truyền bá Phật giáo Việt Nam cũng như thế giới, có lúc rất bi thảm đầy tủi nhục, nhưng có lúc cũng vẻ vang rất đáng tự hào. Lúc bi thảm là lúc bản thể của Tăng bị lu mờ, nội bộ của Tăng bị phân hóa và thành phần của Tăng có nhiều quan điểm dị biệt, giới hạnh suy kém và hiểu biết đạo lý một cách cục bộ, phiến diện. Trái lại, lúc vẻ vang là lúc nội bộ chúng Tăng hòa hiệp, biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư, những ngã chấp tầm thường để tiến xa trên con đường tịnh hạnh, lấy giác ngộ, giải thoát làm cứu cánh, lấy bản nguyện độ sanh làm sự nghiệp”. 

Chúng ta vì “Lấy bản nguyện độ sanh làm sự nghiệp” mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dù đang bị luân hiểm, nhưng vẫn bền chí dấn thân vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Chỉ mấy tháng sau ngày 30.4.1975, cuộc tự thiêu tập thể của 12 Tăng Ni vào ngày 2.11.1975 tại Thiền viện Dược sư, tỉnh Cần Thơ, là tiếng trống Bát Nhã khởi đầu cho một chuỗi hy sinh và hoạt động vì lý tưởng “Ðộ khắp tất cả chúng sanh để thành tựu viên mãn đại nguyện Bồ Ðề”, kéo dài suốt 30 năm không hề lay chuyển. 

Giáo hội ta mà còn đến ngày hôm nay là do công lao, ý thức của chư Tôn lãnh đạo, hết thế hệ này đến thế hệ khác, chịu hết khổ nạn này đến khổ nạn khác. Nhờ đó, Giáo hội luôn tồn tại trong lòng dân tộc, trong tâm tư quần chúng và trong tư tưởng của mọi người trên thế giới. 

Thể chế chính trị nào cũng tuyên bố tồn tại muôn năm nhưng có thể chế nào tồn tại được muôn năm đâu ? Còn Phật giáo không ao ước muôn năm tồn tại, nhưng đã được tồn tại và phát triển mấy ngàn năm rồi. 

Tôi xin ngỏ lời thăm hỏi cùng tán thán Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ - Văn phòng II Viện Hóa Ðạo cùng Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tổ chức Ðại lễ kỷ niệm 30 Năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho Tự do tôn giáo, Nhân quyền và Dân chủ Việt Nam, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ công ơn của những người đi trước.

Chúng ta sống còn đến ngày hôm nay, Giáo hội còn tồn tại cùng sông núi cho đến ngày hôm nay, là nhờ vào những người biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư, đem ý chí cao cả, bất khuất và cái chết để thánh hóa sự sống, hiến cúng cho chánh pháp trường tồn, hiến dâng cho đồng bào các giới thoát khỏi mọi áp bức, thù hận, tù đày, nghèo đói, bất hạnh. Danh sách 22 chư Tăng, Ni và Cư sĩ vị pháp vong thân mà Ðại lễ tôn vinh và tưởng niệm hôm nay cần được xem như biểu tượng cho cuộc vận động 30 năm của Giáo hội. Vì còn biết bao những người vô danh khác nữa, biết bao người bị bức tử nơi rừng sâu, trong các trại tù, biết bao người bị tra tấn, thảm sát nơi các phòng thẩm cung, biết bao người chết qua lằn đạn ám hại hay hành quyết, v.v... mà lịch sử chưa thể ghi nhận đủ vì còn bị che giấu dưới vỏ bọc chế độ. 

Từ nơi quản chế Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Ðịnh, tôi hướng tâm đến Ðại lễ cùng với chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni và nam nữ Cư sĩ, quý vị Quan khách và đồng bào, nguyện cầu Tam Bảo và anh linh chư Tăng Ni, Phật tử vị pháp vong thân chứng minh và gia hộ cuộc vận động cho Tự do tôn giáo, Nhân quyền và Dân chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sớm thành tựu viên mãn. 

Tu viện Nguyên Thiều, ngày 11.12.2005

(nhằm ngày 11.11. Ất Dậu)

Ðệ Tứ Tăng thống

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất 

 (Ấn ký) 

Hòa thượng Thích Huyền Quang

*

*   * 

HUẤN TỪ

CỦA HÒA THƯỢNG VIỆN TRƯỞNG VIỆN HÓA ĐẠO 

gửi Đại lễ kỷ niệm 30 Năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
vận động cho Tự do tôn giáo, Nhân quyền và Dân chủ
tổ chức tại Chùa Diệu Pháp, California, Hoa Kỳ
 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 

Kính bạch Chư Tôn Trưởng lão,

Kính thưa Chư Liệt vị Tôn đức Tăng Ni

Thưa toàn thể Phật giáo đồ trong và ngoài nước, 

Ba mươi năm lập thành một thế hệ. Thế hệ vừa qua, con người tại Việt Nam không được sống trong đạo hạnh và tự do, vì sự áp đặt của một chính quyền vừa chuyên chế vừa áp dụng ý thức hệ ngoại lai không thích hợp với lòng người và truyền thống văn hóa dân tộc. Vì thế toàn dân bị trấn áp, xã hội suy đốn, học thuật bế tắc, từ giới trí thức đến người lao lực không phát triển được tài năng sáng tạo nhằm tái thiết quê hương. 

Cho nên, theo truyền thống nghìn đời của Phật giáo, là ịtrên cầu trí giác, dưới cứu chúng sinhỂ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã đứng trong hàng ngũ quảng đại nhân dân bị thống khổ, bị lăng nhục, để mở đầu cuộc vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ ngay sau ngày 30.4.1975. Trên 300 kiến nghị thư của Viện Hóa Ðạo thời bấy giờ gửi đến nhà cầm quyền yêu sách giải quyết các sự trạng bất công, kỳ thị, đàn áp, phá hủy chùa chiền, đập vỡ tượng Phật. Nhà nước Cộng sản hồi âm bằng sự im lặng và gia tăng khủng bố. Khiến cho 12 Tăng Ni ở Thiền viện Dược sư, tỉnh Cần Thơ, tự thiêu tập thể ngày 2.11.1975, mong làm Ngọn Ðuốc soi sáng vô minh và thức tỉnh cường quyền. Do toàn bộ hồ sơ Viện Hóa Ðạo bị đốt cháy khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến đoạt thủ trụ sở Trung ương của Giáo hội tại chùa Ấn Quang ngày 7.7.1982, nên chỉ còn lại trong trí nhớ danh sách 22 chư Tăng Ni, Phật tử vị pháp vong thân thời gian 30 năm qua. Còn toàn bộ hàng giáo phẩm Giáo hội cùng Phật tử toàn quốc thì kẻ bị tù đày, người bị thảm sát. Tăng Ni bị bó buộc hoàn tục, sung vào lính sang chiến trường Campuchia, tài sản giáo hội bị tịch thu, cơ sở văn hóa, giáo dục, từ thiện bị cưỡng chiếm. Nói làm sao hết nỗi thương tâm, đày đọa. 

Tuy nhiên, người Phật tử lấy từ bi, bất sát, đối diện với bạo ác, hiếu sát. Lấy pháp môn Cứu khổ Cứu nạn đối diện với tù đày và khủng bố. Nên Giáo hội vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay, và ngày càng phục hồi quyền sinh hoạt đương nhiên của mình. Có được bước tiến lịch sử ấy, là nhờ sự kiên cường bất khuất của chư Tăng Ni, Phật tử trong nước, và sự hỗ trợ đắc lực của chư Tăng Ni, Phật tử hải ngoại làm cho công luận thế giới can thiệp bảo vệ Giáo hội. 

Nhân Ðại lễ kỷ niệm 30 Năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho Tự do tôn giáo, Nhân quyền và Dân chủ được tổ chức ở nước ngoài, tôi ngỏ lời tán thán công đức vận động quốc tế của các Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, Canada, Châu Âu, Châu Úc và Tân Tây Lan. Ðặc biệt là công cuộc vận động hữu hiệu, nhanh chóng và nhiều sáng kiến của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, là cơ quan thông tin và phát ngôn nhân chính thức của Giáo hội trong nước. Tôi mong Ðạo hữu Giám đốc và các cộng tác viên của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tiếp tục phát huy hơn nữa sứ mệnh của mình để phục vụ dân tộc và đạo pháp. 

Vào lúc mà toàn dân mất quyền ăn nói và phát biểu, mất quyền tin Phật và thực hành giáo lý hòa bình của Ngài, thì sự chuyển vận tin tức và lập trường của Giáo hội lên báo chí, truyền thông quốc tế, tới các trung tâm quyền lực thế giới và tại diễn đàn LHQ, là sự cứu nguy vô giá. Giáo hội đạt được vị trí quốc nội và quốc tế vững chắc ngày nay là nhờ công tác truyền thông và vận động này. 

Trong bức Thư Chúc Xuân gửi đến quí vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và đồng bào các giới, tôi nói lên hai điều sinh tử. Một là cần có nền Dân chủ đa nguyên, đa đảng, thì mới giải quyết được các thảm nạn Việt Nam trên mọi lĩnh vực của đời sống người dân, đặc biệt vấn đề tự do tôn giáo. Thứ hai là xác nhận Giáo hội và chư Tăng Ni không làm chính trị, nhưng phải có thái độ chính trị. Nhờ thái độ chính trị này, mà 2000 năm qua, các bậc Ðại Tăng và Cư sĩ Phật giáo góp công chống ngoại xâm, mở mang bờ cõi, rồi xây dựng đất nước huy hoàng trên các lĩnh vực văn hóa, đạo đức, chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội. Hai triều đại Lý, Trần là ví dụ tiêu biểu. 

Chính thái độ chính trị cố hữu ấy mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kiên trì vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Cuộc vận động đưa tới ba thành quả : ngày 1.10.2003 Giáo hội tổ chức Ðại hội Bất thường tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Ðịnh, bổ sung nhân sự vào Hội đồng Lưỡng viện, tức Viện Tăng thống và Viện Hóa Ðạo, để sau đó Giáo hội ở hải ngoại khai triển Ðại hội Bất thường và suy tôn Ðức Ðệ tứ Tăng thống tại Melbourne, Úc châu. Dù mấy ngày sau đấy, nhà cầm quyền mở đợt đàn áp, bắt bớ, nhằm ngăn chận Giáo hội hoạt động. Thành quả thứ hai là từ tháng 7 năm nay, 9 Ban Ðại diện Giáo hội thiết lập tại 9 tỉnh ở miền Trung và miền Nam. Mặc bao hăm dọa, sách nhiễu, 9 Ban Ðại diện vẫn đứng vững và bắt đầu hoạt động. Thành quả thứ ba, là lập trường của Giáo hội ngày càng được dư luận rộng rãi trên thế giới tán đồng và nhiệt tình ủng hộ. Sự đóng góp tích cực của Giáo hội, thông qua cuộc vận động quốc tế, đang làm chuyển động chính sách tôn giáo tại Việt Nam. Quyết nghị 427 thông qua tại Hạ viện Hoa Kỳ ngày 19.11.2003, rồi một ngày sau (20.11.2003), Quyết nghị cho Tự do tôn giáo thông qua tại Quốc hội Châu Âu với đa số tuyệt đối, đưa tới việc Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì đàn áp tôn giáo liên tiếp hai năm 2004 và 2005. Rồi mới đây, hôm 1.12.2005, lại thêm Quyết nghị của Quốc hội Châu Âu tố cáo tình trạng nhân quyền và tôn giáo tại ba nước Việt Miên Lào, là vài ví dụ điển hình qua 30 năm quốc tế vận. 

Hiểm nguy ngày nay, là trước áp lực gia tăng của thế giới, CHXHCNVN tạm thời thôi đàn áp bằng súng đạn và nhà tù. Vũ khí khủng bố ngày nay là quản chế và ly gián nội bộ Giáo hội. Quản chế hành chính, theo Nghị định 31/CP, là hình thức biến nhà chùa thành nhà tù, biến tư gia thành phòng giam, biến người tự do thành người nô lệ. Còn vấn đề ly gián nhắm phân hóa nội bộ Giáo hội là chính sách dùng Sư đánh Sư, để thế giới và đồng bào nhìn vào chỉ thấy tranh chấp nội bộ, mà chẳng thấy bàn tay của Ðảng và Nhà nước nhúng vào. 

Trong quá khứ chúng ta đã thấy rõ điều đó. Cho nên cần phải tỉnh táo đừng bao giờ để mắc mưu một lần nữa. 

Hôm nay, Kỷ niệm 30 Năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho Tự do tôn giáo, Nhân quyền và Dân chủ là thời điểm làm cuộc tổng kết để tiến bước vào kỷ nguyên mới. Tiến trình mới này, cũng đòi hỏi chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu chia rẽ, lũng đoạn nội bộ, để duy trì tinh thần hòa hợp hầu bảo vệ Chính pháp và phục vụ Dân tộc. 

Nguyện cầu chư Phật, hồn thiêng sông núi, và anh linh chư Tăng Ni, Phật tử vị pháp vong thân hộ trì cho tất cả chúng ta. 

Thanh Minh Thiền viện, Saigon ngày 12.12.2005 

 Viện trưởng Viện Hóa Ðạo 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất 

 (Ấn ký) 

 Sa môn Thích Quảng Ðộ 

 

*

*   * 

 

HẠ VIỆN HOA KỲ 

15 tháng 12 năm 2005

 

THÔNG ĐIỆP CỦA DÂN BIỂU CHRISTOPHER H. SMITH

gửi Đại lễ kỷ niệm 30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ
 

Tôi xin ngỏ lời tán thán Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong năm kỷ niệm 30 năm đấu tranh bất bạo động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Dù không thể đến tham dự, nhưng tôi muốn quý vị biết cho rằng mục tiêu đấu tranh của quý vị cũng là điều lòng tôi rất thiết tha, và tôi không ngừng nỗ lực cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ  - là những mục tiêu không thể chia cắt -  cho đến ngày dân tộc Việt Nam anh dũng được hưởng tòan bộ các quyền đã thành luật pháp mà Thượng đế và con người quy định. 

Tôi cũng muốn gửi lời chúc tụng đến ông Võ Văn Ái, phát ngôn nhân ở hải ngọai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, người đã đến điều trần tại Ủy ban của tôi và các Ủy ban khác tại Quốc hội, và đã tận tâm tận lực làm cho Hoa Kỳ và thế giới am tường về nghĩa vụ đối với những người có tín ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam. 

Như nhiều người trong quý vị đã biết, tôi đến thăm Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 12 này để tận mắt chứng kiến Việt Nam đối đãi như thế nào với các tín đồ tôn giáo. Tôi đã gặp gỡ rộng rãi nhiều giới tại Hà Nội, Huế và Saigon  - các viên chức chính quyền, các đại diện tôn giáo, và những nhà họat động dân chủ. Tôi nhấn mạnh với các viên chức chính quyền, rằng quan hệ chặt chẽ tương lai với Hoa Kỳ tùy thuộc vào sự cải thiện trong lĩnh vực tự do tôn giáo và nhân quyền, và rằng hiện nay sự cải thiện ấy còn quá ít ỏi. Tôi cũng nhấn mạnh rằng, nếu Việt Nam thực sự mong muốn phát triển kinh tế và chính trị, thì Việt Nam phải khai thác niềm tin và nhiệt tình của những tín đồ tôn giáo để giải quyết các vấn nạn khủng khiếp mà mọi xã hội phải đối diện : như bệnh liệt kháng AIDS, nạn ma túy, buôn bán phụ nữ, thiếu nhi và nam nhi. Tôi nói với họ hãy trả tự do vô điều kiện cho những tù nhân vì lương thức còn bị giam giữ hay quản chế, và phải phục hồi quyền sinh họat pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. 

Nhưng đa số thời gian ở Việt Nam, tôi lắng nghe những lời phát biểu can đảm bênh vực tự do tôn giáo và dân chủ, và lắng nghe những điều họ tâm sự. Tôi đã nói chuyện với các nhà theo đạo Phật, Công giáo, Tin Lành  - trên 60 tăng sĩ, linh mục, mục sư, giám mục, và những nam nữ tín hữu. Tôi tìm cách khuyến khích họ : thế nhưng nhiệt tình, hy vọng, lòng can đảm của họ mang lại cho tôi còn nhiều hơn những gì tôi đưa lại cho họ. Chính niềm tin và lòng can đảm đang giải thóat họ, bất chấp đàn áp, tù đày và tra tấn. Ngày nào nhà cầm quyền hiểu được điều này, họ sẽ chân nhận ra hàng nghìn người Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò lãnh đạo cần thiết cho nền dân chủ Việt Nam. 

Tôi đã gặp Hòa thượng Thích Thiện Hạnh ở Huế trong ngôi chùa Hòa thượng bị quản chế. Hòa thượng nhấn mạnh rằng tôn giáo “phải có đời sống độc lập với chính trị”, và Phật giáo đã hành họat tại Việt Nam từ 2000 năm ngòai mọi kiểm sóat chính trị. Hòa thượng cũng nói với tôi rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sẽ không bao giờ phụ thuộc vào đảng Cộng sản. Hòa thượng Thích Thiện Hạnh cho biết Cộng sản luôn gia tăng chứ không giảm thiểu sách nhiễu đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. 

Ở Saigon, tôi gặp Hòa thượng Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo Viện Hóa Đạo của quý vị tại ngôi chùa của Hòa thượng. Ngài cũng bị quản chế. Cũng như Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Hòa thượng Thích Quảng Độ nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo và dân chủ liên hệ mật thiết với nhau. Hòa thượng cũng báo động tình trạng sách nhiễu ngày càng gia tăng. Cả hai vị đều biểu lộ niềm tin rằng hai vị cũng như tòan thể tín đồ Phật giáo chẳng bao giờ nhụt chí trong cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ, là những điều bảo đảm cho tự do. 

Tôi không chối cãi rằng đã có đôi chút cải thiện tại Việt Nam, nhưng nhà cầm quyền vẫn chưa hiểu rõ được thực tại cơ bản : đó là tự do tôn giáo không phải là gì có thể lâu lâu phân phát nhỏ giọt một lần, nhất là khi có áp lực quốc tế. Nhà cầm quyền vẫn chưa hiểu được rằng tự do tôn giáo là mẹ của các tự do, vốn ăn sâu mọc rễ trong phẩm giá con người ở mỗi cá nhân. Một nhà cầm quyền chính thống phải công nhận và bảo vệ tự do tôn giáo, chứ không phải là cho phép. Dứt khóat là nhà cầm quyền phải công nhận nhân phẩm và tự do tôn giáo đích thực, sau đó thể chế dân chủ mới có thể và phải được xuất hiện. 

Năm nay tôi đã tổ chức một cuộc điều trần hồi tháng 6, cống hiến riêng biệt cho tự do tôn giáo tại Việt Nam, và sang tháng 11, một cuộc điều trần về Tự do tôn giáo trên thế giới trong đó có Việt Nam. Chúng tôi dự tính sẽ có những cuộc điều trần khác cho tự do tôn giáo tại Việt Nam vào mùa xuân năm tới. Tuần trước, tôi vừa đệ trình tại Hạ viện một Quyết nghị kêu gọi trả tự do cho Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ và Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, và tất cả các tù nhân vì lương thức. Tôi đề xuất trở lại Đạo luật Nhân quyền, và sẽ cố công cho việc thông qua vào mùa xuân tới. Năm nay, Dự luật Ủy quyền của Bộ Ngọai giao đệ trình lên Hạ viện, và do tôi trách nhiệm, đã được đa số thông qua, trong đó bao gồm cả sự dự phòng quan trọng cho nhân quyền tại Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đang chờ Thượng viện thông qua thành Đạo luật Ủy quyền. 

Năm nay là năm trọng yếu cho tự do tại Việt Nam. Xin quý vị hãy làm sao cho tất cả các vị Dân biểu, đặc biệt là các Thượng nghị sĩ, trong vùng của quý vị biết rằng sự tiến triển về nhân quyền là điều quan thiết đối với quý vị, và hãy kêu gọi họ hậu thuẫn cho Đạo luật về Nhân quyền tại Việt Nam được thông qua. 

Một lần nữa, tôi muốn biểu tỏ với quý vị rằng, thật là một đặc ân được cộng tác chung với quý vị để đem lại tự do cho Việt Nam. 

* * * * * * * * * * * * * * * * * 

Phát biểu của Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ryszard Czarnecki 

Thưa Hòa thượng Chủ tịch,

Thưa quý Liệt vị,

Trước hết tôi xin ngỏ lời cám ơn Ban tổ chức đã có lòng mời tôi đến tham dự Đại lễ quan trọng kỷ niệm 30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ ngày hôm nay. Tôi là Dân biểu Quốc hội Châu Âu, và là người Ba Lan, một quốc gia ở Trung Âu, là xứ sở đã kinh qua gần nửa thế kỷ dưới chế độ Cộng sản khủng khiếp. Đây quả thật là một kinh nghiệm đau đớn, một kinh nghiệm cho tòan dân tộc chúng tôi, mà cũng là một kinh nghiệm cho bản thân tôi. Suốt 25 năm, tôi sống dưới chế độ cộng sản, dưới cái bóng của “Đế chế bạo ác”  - như Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Regan điềm chỉ. 

Tôi biết rằng những người Việt Nam thương nước cũng có những kinh nghiệm riêng, nhưng tôi tin chắc rằng những kinh nghiệm của bản thân tôi và của nước tôi có thể mang lại bổ ích cho quý vị. Dù chúng ta đang sống trong ba châu lục khác nhau : Á châu, Hoa Kỳ và Âu châu, hàng nghìn cây số cách xa, nhưng chúng ta đều cùng chung một lối nghĩ và một cách nhìn. 

Xa cách vì địa lý, nhưng tâm tình thì gần gũi trong gang tấc, chúng ta vẫn ở bên nhau trong cuộc đấu tranh chung, nhằm bảo vệ những giá trị nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do đi lại, tự do ngôn luận. 

Người Ban Lan chúng tôi biết rằng, chúng ta phải trả giá để bảo vệ các giá trị ấy. Nhiều khi phải trả một giá rất đắt. 

Các chế độ chính trị không ưa tôn giáo. Đặc biệt dưới chế độ Cộng sản. Thiên chúa giáo, Phật giáo hay bất cứ tôn giáo nào khác đều bị đàn áp vì các tôn giáo mở cửa ra thế giới tự do, một thế giới không lệ thuộc vào bất cứ quyền lực nào, một lối sống theo những giá trị truyền thống mà người cộng sản không chấp nhận. 

Các chế độ chính trị muốn kiểm sóat mọi sự. Họ không chỉ muốn cai quản kinh tế, quân sự và đối ngọai thôi đâu, họ còn muốn cai quản cả lương tri và linh hồn người dân. Bằng cách đó, mà chế độ cộng sản tại Ba Lan đã muốn tiêu diệt Giáo hội Công giáo với người đại diện cao cả của tín đồ Công giáo Ba Lan, là Đức Thánh Cha Gioan Phao lồ Đệ Nhị. Đó là lý do vì sao, cộng sản đã không cho phép dạy giáo lý trong học đường. Đó là lý do vì sao, cộng sản cưỡng chiếm cơ sở và tài sản Giáo hội. Đó là lý do vì sao, cộng sản bắt giam các tu sĩ và các anh chị em tín hữu. Đó là lý do vì sao, chưa lâu lắm đâu, chỉ mới vài năm trước khi chế độ cộng sản tan vỡ, nhiều vị linh mục còn bị thảm sát. Đó là lý do vì sao, cộng sản đã cấm biểu tình, cấm rước kiệu trong thành phố qua nhiều năm ròng. Cũng như thế, cộng sản cấm không được mang thánh giá trên các công trường và cấm xây dựng những nhà thờ. 

Tôi đang nói cho quý vị nghe về nước Ba Lan. Nhưng tôi biết rằng thông qua sự kiện Ba Lan, chính tôi đang nói đến những người Phật tử anh dũng tại Việt Nam, nói đến các anh, các chị đang phải trả một giá rất đắt cho sự trung kiên với lý tưởng tôn giáo trên quê hương Việt Nam. 

Khỏang 95% dân chúng Ba Lan theo Thiên chúa giáo, trên 75% dân chúng Việt Nam theo đạo Phật. Những người tín hữu chúng ta thuộc thành phần đa số tại hai quê hương chúng ta. Các bạn, những người Phật tử, là thành phần đa số trên quê hương các bạn. Các bạn không là thiểu số, mà là đại đa số. 

Nói tóm, tự do tôn giáo không là một đặc ân, tự do tôn giáo là một chân lý cơ bản, là quyền con người cơ bản. 

Châu Âu luôn nhớ nghĩ tới những người Phật tử Việt Nam. 

Châu Âu luôn nhớ nghĩ tới cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam. 

Quốc hội Châu Âu bảo vệ và quyết tâm bảo vệ tự do tôn giáo nói riêng và nhân quyền nói chung tại Việt Nam. Chúng tôi, nhân dân Ba Lan, đã thành công giải thể đảng Cộng sản. Còn các bạn hôm nay đây, với sự đấu tranh kiên cường và hậu thuẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhân dân Việt Nam cũng sẽ thành công và thắng lợi như nhân dân Ba Lan. 

------------------------------------------------- 

Dưới đây là Giáo chỉ của Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyển Quang chuẩn y thành phần nhân sự mới của Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng thống và Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, do Hòa thượng Thích Hộ Giác, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành GHPGVNTNHN-HK – VP II VHĐ, công bố tại ngày Đại lễ :

*

*   * 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN TĂNG THỐNG

Phật lịch 2549                                                                         số : 02/GC/VTT 

ĐỆ TỨ TĂNG THỐNG

 

-  Chiếu Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được tu chính bởi Đại hội Khóang đại kỳ V ngày 12.12.1973. 

-  Chiếu văn thư số 10/VHĐ/VT ngày 25.11.2005 của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo đệ trình thành phần chư Tôn Đức Trưởng lão, Hòa thượng, Thượng tọa trong Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. 

-  Chiếu nhu cầu Phật sự, cung thỉnh bổ sung, chấn chỉnh và kiện tòan Hội đồng Lưỡng Viện trong công cuộc Hoằng Dương Chánh Pháp cho giai kỳ mới. 

*

*      * 

GIÁO CHỈ 

Điều 1 : Nay cung thỉnh chư Tôn Đức đăng lâm pháp tịch trong cương vị thành viên Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống như sau : 

TRONG NƯỚC                                                      NGOÀI NƯỚC

Đại lão HT. Thích Huyền Quang             Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Châu
Hòa thượng Thích Quảng Độ                                  Hòa thượng Thích Hộ Giác
Hòa thượng Thích Bảo An                                      Hòa thượng Thích Mãn Giác
Hòa thượng Thích Nhật Liên                                  Hòa thượng Thích Thuyền Ấn
Hòa thượng Thích Thiện Hạnh                               Hòa thượng Thích Chánh Lạc
Hòa thượng Thích Như Đạt                                     Hòa thượng Thích Thắng Hoan
Hòa thượng Thích Huệ Viên                                   Hòa thượng Thích Minh Tâm
Hòa thượng Thích Minh Chiếu                              Hòa thượng Thích Như Huệ
Hòa thượng Thích Đức Chơn                                  Hòa thượng Thích Trí Chơn
Hòa thượng Thích Diệu Tánh                                 Hòa thượng Thích Chơn Thành
Hòa thượng Thích Diệu Trí

Hòa thượng Thích Minh Tuệ

Hòa thượng Thích Minh Kiến

Hòa thượng Thích Trí Giác

Hòa thượng Thích Tâm Linh

Hòa thượng Thích Tâm Liên

Hòa thượng Thích Nhật Ban

Hòa thượng Thích Trừng Thể 

Điều 2 : Chuẩn y thành phần Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như sau : 

Viện Trưởng :                                                           Hòa thượng Thích Quảng Độ
Phó Viện trưởng :                                                     Hòa thượng Thích Hộ Giác
Phó Viện trưởng :                                                     Hòa thượng Thích Chánh Lạc
Phó Viện trưởng :                                                     Thượng tọa Thích Viên Định
Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự :                             Hòa thượng Thích Như Đạt
Tổng vụ trưởng Tổng vụ Cư sỹ :                                Hòa thượng Thích Đức Chơn
Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội :                  Thượng tọa Thích Không Tánh
Tổng vụ trưởng Tổng vụ Kiến thiết :                           Thượng tọa Thích Thành Đạt
Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa :                             Thượng tọa Thích Phước An
Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp :                        Thượng tọa Thích Thái Hòa
Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên :                           Thượng tọa Thích Thiện Minh
Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục :                              Thượng tọa Thích Chơn Tâm
Tổng Thư ký :                                                             Thượng tọa Thích Viên Định (kiêm)
Phó Tổng thư ký :                                                        Thượng tọa Thích Viên Lý
Tổng Thủ qũy :                                                             Thượng tọa Thích Nguyên Lý 

Điều 3 : Chư Tôn Trưởng lão Hòa thượng, Thượng tọa, Hội đồng Lưỡng Viện và các cấp Giáo hội trong và ngòai nước chiếu nhiệm thi hành Giáo chỉ nầy. 

Tu viện Nguyên Thiều, ngày 29 tháng 11 năm 2005

Đệ Tứ Tăng thống

(Ấn ký)

Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang 

            Trên đây là những dữ kiện khá quan trọng liên quan đến sử liệu của Phật giáo Việt nam cũng như lịch sử văn hóa dân tộc. Vấn đề sử liệu nầy còn diễn ra mãi cho đến ngàn sau, chưa biết sáng ngời hay đen tối. Tùy theo nghiệp dẫn của dân tộc Việt Nam

Thích Tín Nghĩa 

          Ghi chú  : (*Phật lịch ở đây là chúng tôi (người viết) tính theo thứ tự cho dễ dàng ;  thực ra,  sau khi Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất ra đời, mới đồng thống nhất là Phật lịch 2507, làm mốc - Trước đó, có nhiều khi giữa Ba miền, cũng như các chùa cũng đều khác.

1Hiện Tình Phật Giáo Việt Nam. Thích Tín Nghĩa
1Chú Đại Bi Lược Giải . Thích Tín Nghĩa
1Cốt Tủy Nghi Lễ Phật Giáo . Thích Tín Nghĩa
1Từ Đàm Quốc Nội Quốc Ngoại . Thích Tín Nghĩa
1Những Bườc Chân Đi Qua. Tín Nghĩa
1Trúc Lâm Thiền Phái Tại Huế . Thích Tín Nghĩa
1Nghi Thức Chẩn Tế Cô Hồn . Thích Tín Nghĩa
1Hiền Lương Chí Lược Tân Biên . Thích Tín Nghĩa
1Thiền Môn Văn Điệp (Hán Văn) . Thích Tín Nghĩa
1Kỷ Yếu Khánh Thành và Đại Hội. Tín Nghĩa
1Kỷ Yếu Tổng Vụ Cư Sĩ. Tín Nghĩa
1Tưởng Niệm Ôn Mật Hiển. Tín Nghĩa
1Nghi Thức Tụng Niệm Đặc Biệt . Thích Tín Nghĩa
1Nghi Thức Phổ Thông. Tín Nghĩa
1Nhơn quả. Thích Tín Nghĩa
1Tổ Liễu Quán. Thích Tín Nghĩa
1Ba ngày rằm. Thích Tín Nghĩa
1Tách trà còn nóng. Thích Tín Nghĩa
1Đạt Ma Huyền Trang. Thích Tín Nghĩa
1Pháp khí và Pháp phục. Thích Tín Nghĩa
1Những Bước Chân Đi Qua. Thích Tín Nghĩa
1Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập. Thích Tín Nghĩa
1Vulan nghĩ về Đấng Sinh Thành Thích Tín Nghĩa
1Tình pháp lữ giữa tôi và HT Thiện Trì. Thích Tín Nghĩa
1Những kỷ niệm với HT Thích Đức Niệm. Thích Tín Nghĩa
145 Ngày Du Hóa Âu Châu. Thích Tín Nghĩa
1Ảnh Hưởng Thiền với Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam. Thích Tín Nghĩa
1Những Dấu Mốc Trong Hơn Nửa Thế Kỷ Qua. Thích Tín Nghĩa
1Mấy Mùa An cư . Thích Tín Nghĩa
1Một Kỷ Niệm Khó Quên Với, Ôn Huyền Quang . Hậu học, Thích Tín Nghĩa
1 Ôn Già Lam . Điều Ngự Tử, Thích Tín Nghĩa
1Hình ảnh, Thích Tín Nghĩa
1An Cư là Một Tuyệt Tác của Tăng Già Hòa Hợp và Thanh Tịnh Điều Ngự Tử, Thích Tín Nghĩa
1 Chiếc Xe Đạp - Điều ngự tử Tín Nghĩa
1TU - Điều ngự tử Tín Nghĩa
1 Kỷ Yếu Cư Sĩ và Sự Thật Vùng Đất La Vang Điều ngự tử Thích Tín Nghĩa
1 Những Vần Thơ Xuân Điều ngự tử Thích Tín Nghĩa
1Những Tác Phẩm Đã In Thành sách Điều ngự tử Thích Tín Nghĩa
1Nguồn Gốc Về Nguồn Thích Tín Nghĩa

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Hai Câu Chuyện Rất “Thương Tâm”
Phật Đản Miền Đông Bắc Hoa Kỳ
Một Đạo Tràng Bố Tát Đặc Biệt
Đi Quanh Một Vòng Với Các Đạo Tràng An Cư – 2021
Mùa Xuân Tân Sửu – 2021
Thông Báo Mới Của CDC Chỉ Có 6% Số Người Tử Vong COVID -19 . . . .
Vu Lan 2564-2020 Nhớ Ơn Nhị Vị Hòa Thượng “Đức Niệm và Mãn Giác”
Luận về : Cái Chết Nguyên Con
Có Những Cái Chết
Thông Điệp Của Sự Hạnh Phúc
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3150231
Có -671 Khách Đang Online